Vào tháng 4 năm ngoái, mưa đá kèm gió lốc đã làm nhà anh Hù A Trưởng ở bản Tân Hợp xã Sơn Bình tốc mái với thiệt hại 81 tấm lợp Broxi Măng và hơn 4000m2 ngô đang thời kỳ trỗ cờ. Do đó năm nay để chủ động phòng chống dông lốc, ngay đầu mụa mưa đình anh Trưởng đã mua đinh vít cũng như dây thép gia cố lại nhà cửa để để đảm bảo an toàn cho gia đình.
Anh Hù A Trưởng – bản Tân Hợp – xã Sơn Bình chia sẻ: Năm ngoái, mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều tài sản của gia đình, do vậy mùa mưa năm nay tôi đã tập trung chằng chống nhà cửa cho chắc chắn hơn, mua dây thép buộc lại ngói để không bị tốc mái
Tam Đường là huyện miền núi, có địa hình phức tạp, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xen kẽ những dãy núi cao là các thung lũng và sông suối. Hàng năm khi mùa mưa đến đặc biệt là những tháng cao điểm (tháng 6,7,8) lượng mưa lớn, kéo dài gây ra sạt lở đất, sụt lún trên địa bàn các xã: Khun Há, Hồ Thầu, Bình Lư, Sơn Bình, Thèn Sin, thị trấn Tam Đường. Thiên tai gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và Nhân dân, gây cản trở và làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo thông kê của phòng NN&PTTN huyện Tam Đường, năm 2020 toàn huyện có 269 hộ bị ảnh hưởng với gần 3000 tấm broxi măng bị tốc, 320ha hoa màu, nhiều công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng và một người chết ước tổng giá trị thiện hại gần 15 tỷ đồng. Người dân xã Sơn Bình chằng chống lại nhà cửa trước mùa mưa bão
Để chủ động phòng chống thiên tai, đầu năm 2021 huyện tiến hành rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện, các xã, thị trấn để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời bảo đảm chế độ thông tin báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các văn bản chỉ đạo về công tác PCTT. Đồng thời bồi dưỡng cho nhân dân các kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống thiên tai cho Nhân dân, nhất là người dân sống ở những khu vực có nguy cơ cao xảy sạt lở đất, đá, gió lốc. Cùng với đó, huyện tổ chức rà soát các các điểm dân cư, những điểm xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án xử lý kịp thời; tập trung tổ chức di dời đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Đường cho biết: “Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra, năm 2021 Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Đường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng tôi tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị tại các đơn vị, địa bàn cơ sở. Triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Ngoài ra, huyện chuẩn bị về lực lượng, dự phòng vật tư y tế, vật liệu xây dựng, phương tiện, lương thực, thực phẩm…nhằm đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời cả trước, trong và sau thiên tai, đảm bảo sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của Nhân dân”.
Những phương án phòng, chống thiên tai tại huyện Tam Đường đã và đang được các cơ quan chức năng, cơ sở chủ động triển khai bằng những giải pháp cụ thể, sát thực, nhằm chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trọng Hoản