Khun Há: Giữ truyền thống nghề rèn của người Mông

Thứ ba - 13/08/2024 23:28 710 0
Rèn là nghề truyền thống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao xã Khun Há nói riêng và một số xã trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung. Cho đến nay, các thợ thủ công nơi đây vẫn lưu giữ nghề này với nhiều đặc trưng văn hóa dân tộc…
DSC09836
Một trong những lò rèn đỏ lửa ở Khun Há.
Con dao bên hông lúc lắc theo mỗi bước chân lên nương, xuống phố, họp chợ phiên là hình ảnh vô cùng quen thuộc của bà con dân tộc Mông nơi đây. Con dao là vật dụng không thể thiếu bên mình, nó giúp những người đàn ông Mông khi cần phát nương, đào củ, dọn đường… Để rèn lên những con dao sắc, sống dao cứng, bền bỉ, dẻo dai theo thời gian cần rất nhiều thời gian, công sức. Khâu lựa chọn nguyên liệu là vô cùng quan trọng; vật liệu rèn được người Mông lựa chọn thường là các loại thép từ nhíp ô tô. Qua đôi bàn tay khéo léo rèn đúc của người thợ tạo nên những sản phẩm tinh xảo, sắc bén gắn liền với đời sống hàng ngày. Anh Cứ A Dơ – Bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Nghề rèn này tôi học từ bố tôi, đến năm 26 tuổi thì tôi đã biết làm. Để có được một cao dao tốt thì cần phải chọn được loại sắt chuẩn, có độ bền cao. Làm nghề này thì tùy từng tháng, có tháng nhiều thì cũng được vài triệu, khoảng 4 – 5 triệu trở lên. Tôi sẽ cố gắng dạy cho con cháu giữ được nghề truyền thống này của người dân tộc Mông chúng tôi”.
DSC09854
 Thợ rèn người Mông Khun Há vẫn lưu giữ nghề rèn truyền thống.
Trong nhịp sống hiện nay, giống như các làng nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn trong việc giữ nghề và tiêu thụ sản phẩm. Việc mua bán các vật dụng kim khí được sản xuất theo hướng công nghiệp từ các nhà máy lớn với giá rẻ là vô cùng dễ dàng, các sản phẩm thủ công truyền thống rất khó cạnh tranh. Song nhiều người Mông vẫn giữ lấy nghề rèn truyền thống này. Ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há, huyện Tam Đường, cho biết thêm: “Đối với đồng bào dân tộc Mông xã Khun Há chúng tôi có rất nhiều nghề truyền thống, trong đó nghề rèn là một trong những nghề mà chúng tôi hết sức quan tâm; cấp ủy, chính quyền xã cũng đưa ra những giải pháp để gìn giữ và đặc biệt khuyến khích những thợ thủ công trên địa bàn có tay nghề truyền dạy lại cho con cháu. Ngoài ra, chúng tôi có những định hướng cụ thể tại các điểm du lịch là phải gắn với các nghề truyền thống với phát triển du lịch”.
 
DSC09826
 Người dân và du khách thăm quan lò rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1.
Dù khó cạnh tranh trên thị trường, nhưng những thợ rèn ở Khun Há và nhiều thợ rèn khác ở các bản làng người Mông ở huyện Tam Đường họ vẫn cố gắng giữ lấy nghề. Bởi vẫn còn những người chỉ ưa dùng dao tự rèn đó chính là động lực để những người thợ giữ lửa lò rèn.
Cầm Thanh

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down