Những năm qua, huyện Tam Đường chú trọng trồng và chăm sóc cây Mắc ca. Thời điểm này, đang vào vụ thu hoạch, người dân háo hức, phấn khởi vì vụ Mắc ca năm nay được mùa, được giá, thương lái đến tận vườn thu mua.
Bản Bo là xã có diện tích trồng Mắc ca lớn nhất của huyện Tam Đường, với 155 ha, trong đó có 18 ha đã cho thu hoạch. Khác với những địa phương trong huyện, Mắc ca trên ở xã Bản Bo không trồng thuần, chủ yếu là trồng xen chè. Xã Bản Bo cũng xác định Mắc ca không chỉ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là cây trồng tạo bóng mát, giúp cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng chè.
Gia đình Anh Hạng A Phình - Bản Nậm Phát trồng và chăm sóc hơn 50 cây cây Mắc ca xen chè. Theo anh Phình việc trồng xen có rất nhiều lợi ích, chè là cây ưa bóng, nếu cây chè được che bóng 45 - 50% cường độ ánh sáng thấp thì sẽ cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, dưới tán Mắc ca cây chè phát triển xanh tốt hơn. Ngoài ra, trồng Mắc ca xen chè vừa tiết kiệm diện tích vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mỗi vụ, gia đình anh thu từ 1,5 đến 1,8 tạ quả, cho thu nhập gần 10 triệu đồng.
Anh Phình phấn khởi chia sẻ: Cây Mắc ca trồng xen chè không chỉ tạo bóng mát mà đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Trong thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng thêm cây Mắc ca trên diện tích chè của gia đình. Anh Hạng A Phình, bản Nậm Phát, xã Bản Bo kiểm tra quả Mắc ca chuẩn bị cho thu hoạch.
Năm 2012, huyện Tam Đường đã đưa cây Mắc ca vào trồng thử nghiệm. Thấy hiệu quả kinh tế của tcây Mắc ca mang lại, những năm tiếp theo huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng, từ đó dần hình thành và phát triển vùng trồng tập trung. Hiện nay, tổng diện tích Mắc ca toàn huyện là 486 ha, trong đó trồng mới 315 ha, tập trung phát triển vùng tại các xã: Thèn Sin, Bản Bo, Nùng Nàng, Bản Hon, Hồ Thầu, Bản Giang…Cơ cấu gồm các dòng chủ yếu như: 741, 695, 842, 816, OC, 900, 849,246, 800. Hiện có 94 ha diện tích cho thu hoạch, sản lượng 337 tấn, thu nhập trung bình trên 144 triệu đồng/ha.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của cây mắc ca, ông Nguyễn Hồng Quân -Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cây mắc ca là cây lâm nghiệp, nhưng rất rễ trồng và chăm sóc. Theo đánh giá, loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện nên sinh trường và phát triển tốt. Hiện nhiều diện tích cây mắc ca của các xã trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch, với giá bán dao động 50.000 – 60.000/kg đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu cho huyện mở rộng diện tích cây Mắc ca.
Có thể khẳng định, từ khi bén rễ trên đất Tam Đường, cây Mắc ca tỏ ra khá phù hợp với khí hậu, đất đai ở nhiều địa phương trên trong huyện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thêm thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Trọng Hoản