Nhọc nhằn gieo chữ trên vùng đất khó

Thứ bảy - 22/11/2014 05:31 1.102 0
Không ngại khó, ngại khổ, những giáo viên “cắm bản” ở trường tiểu học Khun Há vẫn hàng ngày miệt mài đem chữ ươm mầm cho trẻ em trên vùng đất khó. Đằng sau sự nghiệp trồng người cao cả là biết bao nhọc nhằn, vất vả mà nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ.
Theo chân của đoàn lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện đến thăm trường tiểu học và mầm non Ma Sao Phìn Cao ( xã Khun Há) vào những ngày đầu tháng 11. Cái rét và cơn mưa rả rích của những ngày đầu đông càng làm cho không khí nơi đây thêm lạnh lẽo. Phải mất hơn tiếng đồng hồ, đánh vật với con đường dốc ngoằn nghèo, trơn trượt bùn đất chúng tôi mới đến được điểm trường này. Phía xa xa, trong màn sương mù mờ ảo nơi heo hút đại ngàn, những tiếng đọc o,a vẫn vang lên càng làm cho chúng tôi hiểu hơn thế nào là giá trị của sự dấn thân cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Gặp và được nghe câu chuyện cô giáo Cấn Thị Thu, mới thấu hiểu được nghiệp trồng người thật lắm gian nan, và càng hiểu hơn về lòng yêu nghề của những người “ gieo chữ trên non”. Đã gần chục năm trôi qua, nhưng cô vẫn còn nhớ như in những ngày đầu với muôn vàn khó khăn trên đất khách. “ Ngày ấy, đường đến trung tâm xã còn là những con đường đất dốc, ghồ ghề đá cuội. Muốn lên đến các bản cao để dạy học chỉ còn cách đi bộ mất cả mấy tiếng đồng hồ. Có khi cả tháng trời mình mới được xuống huyện để mua ít thịt tươi cải thiện. Các loại nhu yếu phẩm như gạo, cá khô, mì tôm, muối… đều được mua dự trữ cho cả tháng. Nhưng bù lại ở bản, mình cùng được ăn, được ở cùng dân bản, gần gũi với họ mới thấy hết được tấm lòng của người vùng cao đáng trân trọng biết bao. Dù rất khó khăn, thiếu thốn cả về nhưng bằng tình yêu nghề, mình quyết tâm bám trụ và đem con chữ dạy cho trẻ nhỏ ở đây”.

Một tiết học của lớp mầm non
Còn đối với cô giáo Đỗ Thị Nguyên – Giáo viên mầm non điểm trường Ma Sao Phìn Cao thì 3 năm ra trường với những ngày ròng đi bộ cả mấy tiếng đồng hồ để vận động phụ huynh cho trẻ đến lớp và sự bất đồng về ngôn ngữ… đã khiến cô giáo trẻ không ít lần chùn bước, nhưng hình ảnh về những bữa ăn với cơm trắng và muối, gừng, những bộ quần áo lấm lem, rách vá, những mảnh áo mỏng manh, co ro trong mùa đông lạnh giá… đã làm cô không khỏi xót xa. Cùng ở với dân bản Nguyên hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của trẻ nhỏ nơi miền sơn cước này. Chính lòng yêu trẻ, yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã tạo cho cô thêm động lực để bám trụ lấy nghề, thêm quyết tâm ở lại trên chính mảnh đất này để đem những lời ca, điệu múa, những câu chuyện cổ tích cho những “ mầm non”: “ bằng cả lòng yêu thương và sự sẻ chia, em luôn mong muốn được lấp đầy những thiệt thòi của các em nhỏ, mong các bé sẽ được nuôi dạy khoẻ mạnh, lớn khôn trên chính đôi tay mình” Nguyên chia sẻ.
Thầy Đặng Mạnh Trường – Hiệu trưởng trường tiểu học Khun Há cho biết: Trường có 49 lớp học, 673 học sinh ở 11 điểm trường, với 15 điểm bản. Nhà trường luôn xác định việc duy trì số số học sinh, luôn đi đôi với nâng cao chất lượng dạy và học. Để làm được điều đó thì những thầy, cô giáo cắm bản phải thực sự là một người con của bản làng. Cùng ăn cùng ở và cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của bà con dân bản và đi tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp sau mỗi mùa nương rẫy. Nhờ đó mà nhiều năm trở lại đây, sỹ số học sinh luôn được duy trì ổn định. Năm học 2014 – 2015, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 99,7%, tỷ lệ chuyên cần đat 99%, chất lượng 2 mặt giáo dục đã thay đổi rõ nét.”

Nhờ được thầy cô vận động tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn được duy trì ổn định
Vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng với những thầy cô giảng dạy ở những  nơi còn nhiều khó khăn như Khun há thì đằng sau cái gọi là trách nhiệm, là miếng cơm manh áo, thì đó là cả tình yêu thương, tâm huyết với nghề, là cả khát vọng được ươm nên những mầm xanh cho đời. Họ đang từng ngày, từng giờ lặng thầm viết nên những câu chuyện về hành trình “trồng người trên non” ./.

Tác giả: Yến Thanh – Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down