Bản Bo bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng

Thứ tư - 23/08/2023 04:57 1.302 0
Là dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã Bản Bo, đồng bào dân tộc Kháng cũng có những nét văn hóa riêng biệt. Trong đó không thể không kể đến nghề đan lát truyền thống, bằng đôi bàn tay khéo léo, họ đã tạo ra những vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các vật dụng sinh hoạt đã dần được thay thế do đó mà nghề đan lát cũng đang dần bị mai một.
Bản Nà Khuy, là bản duy nhất đồng bào dân tộc Kháng sinh sống của xã Bản Bo, gặp 2 vợ chồng ông Lò Văn Ban, là người vẫn đang duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình, qua trò chuyện với ông chúng tôi được biết: Nghề đan lát của dân tộc Kháng có từ lâu đời, bởi từ xa xưa, trong cuộc sống hàng ngày của người Kháng gắn liền với việc làm nương, rẫy, đánh bắt cá nên cần nhiều nông cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Từ những vật liệu thông dụng của cây tre, nứa, giang… dưới đôi tay khéo léo người Kháng đã tạo nên các vật dụng để phục vụ cuộc sống như: Gùi, sọt, nơm bắt cá, giỏ đựng quần áo… rất đẹp mắt, hơn nữa trong gia đình người Kháng, đan lát không phải việc riêng của phụ nữ mà cả đàn ông đều biết đan lát. Đến nay, mặc dù đã lên ông, lên bà nhưng cả 2 vợ chồng ông Ban vẫn duy trì nghề đan vừa để phục vụ cuộc sống gia đình vừa kiểm thêm thu nhập. Vài năm trở lại đây, có một số khách hàng là người dân tộc khác biết đến sản phẩm đan lát của dân tộc Kháng đã đến và đặt hàng một số sản phẩm. Ông Lò Văn Ban chia sẻ: Trước đây thấy ông bà, bố mẹ đan lát, mình xem thì cũng thấy yêu thích nghề này. Khi được 15 - 16 tuổi thì mình bắt đầu tập đan lát, giờ cũng đã được 40 năm rồi, từ đó đến nay mình vẫn đan thường xuyên. Nghề đan lát này có từ rất lâu rồi, giờ mình vẫn đan một số vật dụng sinh hoạt của gia đình và thi thoảng có người đến đặt thì mình làm để có thêm thu nhập.
 
IMG 8309
Nhờ những sản phẩm đan lát mà gia đình ông Ban có thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Nà Khuy, hiện có 52 hộ trên 220 nhân khẩu nhưng chỉ còn lại 4 đến 5 người biết đan lát, chủ yếu là những người lớn tuổi, còn lại đa phần đều không biết đan nữa, nhất là thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề, bởi người dân bây giờ có thể lựa chọn mua các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày từ các sản phẩm được làm từ nhựa, inox, nhôm ở chợ vừa rẻ, đẹp, mẫu mã lại đa dạng. Do đó, để bảo tồn, phát huy nghề đan lát không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa mà còn gìn giữ nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng. Ông Ban mong muốn: Mình muốn giữ được nghề đan lát truyền thống của dân tộc và cũng mong muốn chính quyền xã sẽ giúp quảng bá để nhiều người biết đến nghề đan và các sản phẩm đan lát của dân tộc mình hơn nữa, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Để bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống của dân tộc Kháng, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Bo đã có những dự định không chỉ phục hồi nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng nơi đây mà còn phát huy giá trị văn hóa của nghề đan lát này gắn với phát triển du lịch, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập cho chính người dân. Nói về vấn đề này ông Nguyễn Sỹ Tiện - PCT UBND xã Bản Bo cho biết: Bản Bo có duy nhất bản Nà Khuy có đồng bào dân tộc Kháng sinh sống và có nghề đan lát truyền thống được duy trì từ rất lâu đời. Tuy nhiên, hiện nghề đan lát truyền thống của bà con đồng bào người Kháng ở xã Bản Bo có nguy cơ bị mai một và thất truyền. Bởi vậy, để bảo tồn nét văn hóa cũng như nghề thủ công truyền thống của bà con người Kháng ở bản Nà Khuy, trong thời gian tới Đảng ủy, chính quyền xã đang xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề đan lát cho bà con trong bản; xúc tiến, quảng bá những sản phẩm đan lát của bà con đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm của bà con được tiếp cận với khách hàng, tạo việc làm và tăng thu nhập, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của bà con. 
Có thể nói, nghề đan lát không chỉ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng ở xã Bản Bo, mà còn là nét văn hóa riêng biệt, độc đáo cần được khôi phục, bảo tồn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng và tự hào để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một cùng với thời gian. Đồng thời còn góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng và các sản phẩm của đồng bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Cường

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down