Sơn Bình chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông

Thứ tư - 19/07/2023 05:06 973 0
Đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện trong trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, lễ hội, nghề truyền thống... Những năm qua, việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông luôn được xã Sơn Bình quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông hết sức phong phú, người Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, đàn môi... Âm nhạc Mông từ giai điệu, tiết tấu, đến âm sắc tất cả mọi yếu tố kết thành một thể thống nhất, truyền vào con người tinh thần yêu đời, đoàn kết, yêu thương nhau. Trong đó nổi bật nhất là khèn Mông. Theo phong tục, khèn Mông gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào và mỗi cuộc đời của người Mông. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; là vật dụng linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Bạn Vàng A Của – Bản Huổi Ke, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Em thuộc thế hệ con cháu, trẻ tuổi trong bản, nhưng em cảm thấy việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do vậy, thời gian qua em cũng tích cực tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cùng các ông, các bác, hiểu được giá trị cốt lõi của các loại nhạc cụ của dân tộc mình mà điển hình như là khèn Mông”.
 
KSB
Một buổi sinh hoạt, tập luyện văn nghệ của các nghệ nhân, diễn viên xã Sơn Bình. 
Từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch và tình yêu dành cho cây khèn Mông, ông Vàng A Sua - bản Huổi Ke, xã Sơn Bình, đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy cho con em trong bản từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình trong thế hệ trẻ. Nhờ đó, dù văn hóa hiện đại đang hiện diện ở mọi nơi nhưng ngọn lửa đam mê tiếng khèn với những chàng trai dân tộc Mông ở Sơn Bình chưa bao giờ tắt. Ông Sua, nói:“Với vai trò là người lớn tuổi trong bản, bản thân tôi cũng nhận thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc Mông chúng tôi. Hiện nay có nhiều văn hóa hiện đại du nhập vào giới trẻ, để lưu giữ được những tiếng khèn chúng tôi cũng tổ chức truyền dạy cho các cháu trong bản. Qua đó, những giá trị văn hóa của người Mông chúng tôi sẽ giữ được lưu truyền và tôn vinh cùng thời gian”.
Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông luôn được xã Sơn Bình chú trọng quan tâm, điển hình như nghệ thuật khèn và nghề thêu truyền thống trong trang phục của người Mông. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa tốt đẹp để chính họ tự nguyện tham gia gìn giữ, xây dựng và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc mình. Ông Hạng A Sính – P.Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, cho biết thêm:“Đối với xã Sơn Bình, chúng tôi cũng nhận thấy có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, do vậy xã cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi văn hóa, văn nghệ cho người dân được giao lưu. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức cho các thế hệ trẻ đi học múa và thổi khèn với mục tiêu chính là bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch để người dân có thêm thu nhập. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch thành lập CLB Khèn Mông để cho mọi người có một sân chơi ý nghĩa và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông trên địa bàn”.
Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc đang ngày càng được nâng lên. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tin tưởng những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông ở Sơn Bình nói riêng và huyện Tam Đường nói chung sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển.
Cầm Thanh

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down