Từ lâu đồng bào dân tộc Thái có đời sống tinh thần phong phú, với một kho tàng văn hóa giàu bản sắc, chủ yếu được phô diễn trong ngày hội, ngày tết. Đặc biệt, phải kể đến vẻ đẹp qua các làn điệu dân ca kết hợp hoà quyện cùng đàn tính tẩu âm vang tạo nên nét riêng, đặc sắc, thể hiện những tinh túy trong đời sống vật chất và tinh thần, phản ánh những khát vọng của bà con dân tộc Thái.
Dân ca Thái là tiếng hát lời ca khái quát toàn diện về tình yêu của con người với con người, của con người với thiên nhiên, với quê hương đất nước. Dân ca thái là những bài hát dân ca, những làn điệu trữ tình được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép từ đời này sang đời khác. Các làn điệu dân ca Thái được bắt nguồn từ môi trường lao động, sản xuất và sinh hoạt. Phần lời ca vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa thành những câu thơ giàu nhạc điệu, người nghe tìm được ở đó những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế… Khi lời hát cất lên thường làm cho người cảm thụ suy nghĩ, da diết và sâu lắng. Dân ca xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.
Dân ca không chỉ một người sáng tạo ra mà là của tập thể tác giả, chủ yếu là của những người dân sáng tạo xuất phát trong lao động và sinh hoạt cuộc sống thường nhật. Nhưng ở đó rõ ràng có mang bề dày văn hóa, lịch sử, dân tộc, màu sắc địa phương, ngôn ngữ bản địa. Dân ca là những bài hát, câu hò, điệu ví, trong dân gian do nhân dân sáng tác không rõ nguồn gốc, tác giả được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức truyền miệng và mang tính dị bản. Dân ca Thái là những bài ca ứng tác do nhân dân sáng tạo ra, mang âm hưởng đặc trưng của người Thái, được lưu truyền trong dân gian mà không rõ nguồn gốc xuất xứ hay tác giả. Những bài hát này có nội dung phong phú như ca ngợi tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất, hát ru, hay cúng tế thần linh…
Nghệ nhân dạy hát dân ca Thái kết hợp đàn tính cho thế hệ trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi nghệ nhân Lù Văn Vấn ở bản Bình Luông, thị trấn Tam Đường cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi được đắm mình trong các làn điệu dân ca Thái, biết ghi nhớ từng lời và hát theo những điệu khắp của ông bà, cha mẹ. Rồi cứ như thế tình yêu với lời khắp ngày càng lớn dần lên, với ông, hát dân ca chính là để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, tiếng nói của dân tộc mình. Vì vậy, để gìn giữ phát huy các làn điệu dân ca Thái tôi thường xuyên tổ chức truyền dạy cách đánh đàn tính, hát dân ca cho thế hệ trong bản hoặc các xã khác tại nhà. Thông qua các hội thi, hội diễn, các buổi giao lưu văn nghệ để truyền dạy, hướng dẫn thế hệ trẻ kế cận các điệu múa, làn điệu dân ca, các phong tục lễ hội của dân tộc Thái.
Dân ca Thái chia làm 3 nhóm chính: Nhóm dân ca lao động; Nhóm dân ca nghi lễ; Nhóm dân ca trữ tình, sinh hoạt. Nếu như nhóm dân ca lao động là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm phấn chấn, vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống, lao động sản xuất để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ hơn thì nhóm dân ca nghi lễ lại là các làn điệu dân ca xuất hiện trong các nghi lễ đám cưới, tang ma, mừng nhà mới, sinh đẻ, chữa bệnh, lễ cầu an, cầu mùa …. thể hiện tín ngưỡng của con người, còn nhóm dân ca trữ tình, sinh hoạt lại phổ biến là những lời hò giao duyên. Có hàng chục làn điệu giao duyên với các chủ đề khác nhau như: chào hỏi, giới thiệu làm quen, kể gia cảnh, bày tỏ tình cảm, giao duyên… Chẳng hạn như hát giao duyên từng đôi, hát giao duyên trên thuyền, trong lúc chơi hang hay hái hoa, trong các giai đoạn của quá trình hôn nhân. Lời bài hát giao duyên được chuyển tải từ những bài thơ hoặc do người hát tự ứng tác cho phù hợp với nội dung, ý nghĩa mà người hát bên kia gửi gắm.
Một số nhạc cụ của dân tộc Thái thường kết hợp khi hát dân ca.
Trong dân ca sinh hoạt, trữ tình của người Thái có nhiều điệu khắp khác nhau. Mỗi vùng có một hai làn điệu mang sắc thái địa phương. Mỗi làn điệu như thế lại có thể có những cách hát khác nhau tạo ra nhiều màu sắc đa dạng trong dân ca trữ tình, sinh hoạt. Dân ca trữ tình, sinh hoạt của người Thái phản ánh khá sinh động những đặc điểm văn hóa của tộc người này xung quanh những mối tình trai gái lãng mạn, những buổi đêm họ chọc sàn rủ nhau tâm tình và hát làn điệu khắp xai peng. Hạn khuống và xắc xan (chọc sàn) là những phong tục đặc sắc của nam nữ thanh niên Thái.
Điều nổi bật của hát dân ca với các làn điệu khác trong hát Thái chính là phần thanh nhạc khi người hát sử dụng, cách ngắt âm, ngắt nhịp, tiết tấu của bài hát. Hát dân ca Thái thường được kết hợp với đàn tính (hay còn gọi là tính tẩu) tạo nên sự hoà quyện và luôn thể hiện được chất trữ tình, chất tự sự trong các làn điệu, tạo nên các làn điệu dân ca, một nền âm nhạc mang bản sắc dân tộc đậm đà, thống nhất và đa dạng của đồng bào dân tộc Thái.
Vì vậy, để gìn giữ các nét đẹp đồng bào dân tộc Thái nói chung và các làn điệu dân ca Thái nói riêng, hiện nay cấp ủy chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều cách làm, giải pháp hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi thầy giáo Hà Giang Nam – Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT huyện Tam Đường chia sẻ: Hiện nay 100% các lớp đều có đội văn nghệ, các em chú trọng tập luyện các điệu múa, bài hát của các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhà trường thành lập Câu lạc bộ Nét đẹp dân ca Thái, trong năm học thường xuyên tổ chức trình diễn trang phục dân tộc; thi văn nghệ, làm video biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc… Từ đó, thu hút nhiều học sinh tham gia, giúp các em nâng cao nhận thức về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Dòng chảy thời gian không ngừng tiếp nối, những tác động của đời sống hiện đại đang làm phai mờ dần những giá trị văn hóa truyền thống nói chung trong đó có các làn điệu dân ca Thái nói riêng. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca của tộc người này là điều cần thiết. Và để bảo tồn trước hết cần phải giúp mọi người hiểu hơn, yêu hơn các làn điệu dân ca Thái.
Bài, ảnh: Lò Thị Ngọc Vân - Hà Thị Phúc (Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Tam Đường)