Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Thứ hai - 14/02/2022 23:09 2.114 0
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Để công tác đào tạo nghề đem lại hiệu quả thiết thực, huyện Tam Đường đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ tính riêng trong 2 năm 2020, 2021, huyện Tam Đường đã tổ chức 59 lớp đào tạo nghề với 1.780 học viên tham gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, trước nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh, huyện Tam Đường đã chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân. Hằng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề về lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: kỹ thuật chăm sóc cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, may công nghiệp, thêu dệt, nghề mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng …cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp.
 Những năm trước đây đồi chè của gia đình chị Lò Thị Pín - Bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Đường thường xuyên bị sâu, bệnh hại do chưa có kỹ thuật chăm sóc, tuy nhiên từ năm 2020, được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè ngay tại bản, sau khoá học chị đã trang bị được cho mình những kiến thức bổ ích, từ đó đồi chè nhà chị đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, chị Pín, chia sẻ thêm: “Gia đình nhà tôi thì trồng cây chè từ lâu, trước kia chưa được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc nên cây chè thường bị sâu bệnh, thối búp hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Năm 2020, tôi được tham gia lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây chè tổ chức tại bản, sau thời gian 3 tháng tôi đã nắm được các kỹ thuật chăm sóc chè, biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây, cách thu hái chè và bảo quản chè búp tươi đúng cách. Từ đó hiệu quả kinh tế từ cây chè đem lại tăng lên rất nhiều”.

 
LDNT
Nghề mây tre đan truyền thống tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường đang dần được phục hồi và phát triển.
Những năm qua, huyện Tam Đường luôn xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết. Huyện đã chú trọng việc đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học. Hằng năm, huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học. Từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đã tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Cho biết thêm về định hướng trong công tác đạo tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Phạm Quang Đán - Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Đường, cho hay: “Trong thời gian tới, ngoài chú trọng đào tạo những ngành nghề thuộc thế mạnh của huyện thì Phòng LĐTB&XH cũng sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đào tạo và gắn kết với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên để làm sao người lao động sau khi được đào tạo có thể có được việc làm ngayvà có thu nhập ổn định”.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Tam Đường đã mang lại hiệu quả nhất định. Từ chỗ phải tìm kiếm các lớp học nghề thì đến nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, sau học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cầm Thanh

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down