Mùa xuân là khoảng thời gian đồng bào dân tộc Dao trên Sì Thâu Chải nghỉ ngơi, quây quần cùng gia đình, làng bản, tưng bừng vui chơi sau một năm miệt mài lao động sản xuất. Để tạo không khí phấn khởi và mong những điều tốt đẹp trong năm mới, đồng bào Dao nơi đây thường tổ chức nghi lễ “Cúng rừng” để cầu may đầu năm.
Sau khi thầy cúng chọn được ngày đẹp, từ sáng sớm, già, trẻ, gái, trai trong bản đã có mặt tại nhà của một người dân trong bản để tham gia lễ “Cúng rừng” cầu may đầu năm. Đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay, tốt đẹp của năm cũ và mong muốn cho một năm mới mưa thuạn, gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no ấm, gia đình hạnh phúc.
Ông Lù A Tỏn, người dân bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu cho biết: “ Nghi lễ cúng rừng cầu may đầu năm là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Dao bản địa quê tôi. Cũng không ai biết nghi thức này có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đã thấy nó tồn tại và được truyền từ đời này sang đời khác. Bà con trong bản đều rất tin vào nghi lễ này, ngày tổ chức lễ cúng rừng ai cũng mặc thật đẹp để tham gia, cùng cầu mong một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu cho gia đình và cộng đồng”. Những thanh niên khỏe mạnh ở trong bản được lựa chọn thực hiện nghi Lễ cúng rừng.
Thành công của nghi lễ không thể thiếu đi được sự đóng góp của thế hệ trẻ trong bản như anh Phàn A Páo, anh Páo nói: “Những ngày này, thanh niên trong bản sẽ đến đây để tham gia nghi lễ, cùng nhau thực hiện các công đoạn chuẩn bị như: lên rừng lấy củi, bổ củi, thịt lợn, làm bếp và những công việc trong nghi lễ. Rất mong là sau lễ hội cầu may, anh em và người dân trong bản sẽ có những vụ mùa bội thu và mọi người đều gặp may mắn, mạnh khỏe”.
Lễ cúng rừng cầu may của người Dao đầu năm được tổ chức khá đơn giản. Đồ vật cúng bao gồm các sản phẩm người dân tự làm ra, như lợn, gà, gạo nếp nương... do các gia đình đóng góp. Trong phần lễ, phụ nữ không được tham gia; toàn bộ phần này đều do nam giới đảm nhiệm, người ta thường chọn những người khỏe mạnh để thực hiện nghi lễ.
Chia sẻ với chúng tôi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ cúng rừng này, ông Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải cho hay: "Lễ cúng rừng của dân tộc Dao chúng tôi có từ thời xa xưa rồi. Năm nay chúng tôi tổ chức với mong muốn năm mới sẽ có nhiều thuận lợi, thắng lợi mới; mọi người dân trong bản ai cũng khoẻ mạnh để cùng nhau lao động, sản xuất phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”.
Nghi lễ cúng rừng cầu may đầu năm là hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo, có ý nghĩa thiết thực với đồng bào người Dao nơi đây. Ngoài tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thông qua nghi lễ này còn giúp bà con phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau quyết tâm bước vào một năm lao động, sản xuất với kỳ vọng sẽ có một mùa bội thu. Cầm Thanh