Hiệu quả công tác đào tạo nghề ở Tam Đường

Thứ sáu - 27/12/2019 22:21 631 0
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Tam Đường theo Đề án 1956 luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Phần lớn các học viên sau đào tạo đã phát huy được những kiến thức áp dụng vào thực tế công việc, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Sau khi học nghề sửa chữa xe máy năm 2012, anh Tẩn Văn Giao, bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đã vận dụng những kiến thức đã  học tích cực mở xưởng sửa chữa xe máy để phục vụ bà con nhân dân trong vùng. Từ công việc này mỗi tháng anh có nguồn thu nhập từ 7-10 triệu đồng, qua đó, góp phần giúp cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định hơn, anh Giao chia sẻ: “Bước đầu mới học nghề trở về địa phương cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, sau một thời gian tay nghề đã cứng hơn thì tôi bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định từ việc sửa xe máy, mỗi tháng đem lại thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn tích lũy được, đến nay tôi đã mở rộng thêm được trang trại chăn nuôi và buôn bán thóc, gạo nên cuộc sống của gia đình không còn khó khăn nữa, đã ổn định hơn trước”.
Còn đối với chị Lò Thị Thương, bản Bãi Bằng, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, sau khi học xong lớp trồng cây ăn quả tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện từ năm 2017, chị đã cùng gia đình trồng trên 100 cây mận. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc nên vườn mận phát triển rất tốt, cuối năm 2018, từ bán mận gia đình chị đã có thêm thu nhập trên 10 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, chị không dấu nổi niềm vui vì giờ đây gia đình đã có cái nghề, có nguồn thu nhập ổn định, không phải lo đói nghèo như trước nữa, chị chia sẻ: “Khi học xong lớp đào tạo nghề, về tôi đã đầu tư trồng 100 cây mận, nhờ áp dụng những kỹ thuật được học tại lớp đào tạo nghề đến nay cây đã cho thu hoạch, kinh tế của gia đình cũng có nguồn thu nhập thường xuyên hơn”.
 
ANH 16
 
Vườn mận của chị Thương nay đã cho thu hoạch

Giai đoạn 2016-2020, huyện Tam Đường đã đào tạo nghề cho 7.000 lao động nông thôn, trong đó người học nghề nông nghiệp khoảng 2.100 lao động, chiếm tỷ lệ 30%; người học nghề phi nông nghiệp và lao động chuyển sang làm việc khu vực đô thị khoảng 4.900 lao động, chiếm tỷ lệ 70%. Ông Phạm Quang Đán Phó trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội huyện Tam Đường, cho biết: “Đến nay, nhiều mô hình sau đào tạo nghề được duy trì và phát triển, đã có nhiều cá nhân có được nguồn thu nhập ổn định từ nghề mình được đào tạo, qua đó giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động địa phương và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân”.
Có thể khẳng định, cái được lớn nhất của công tác đào tạo nghề ở huyện Tam Đường là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề...để mang lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.

 

Nguồn tin: Cầm Thanh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down