Ông Giàng A Lùng người giữ lửa nghề rèn truyền thống ở Tả Lèng

Thứ sáu - 27/12/2019 22:44 885 0
Trước xu thế xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, nguy cơ một số nghề truyền thống bị mai một nhưng gia đình ông Giàng A Lùng ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vẫn duy trì nghề rèn nhiều năm nay. Bằng lòng yêu nghề và bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, gia đình ông Lùng đã có mức thu nhập ổn định từ nghề rèn, góp phần giữ gìn, phát huy nghề rèn truyền thống.
Đến bản Thèn Pả, không ai là không biết ông Giàng A Lùng. Ông là 1 trong số rất ít những người vẫn còn lưu giữ nghề rèn truyền thống của cha ông để lại ở Tả Lèng. Giữa tiết trời giá lạnh trong bộ trang phục dân tộc Mông vẫn đang miệt mài bên lò rèn của gia đình. Ông Lùng cho biết, không ai nhớ nổi nghề rèn có tự bao giờ, chỉ biết con trai người Mông lớn lên là biết rèn công cụ lao động và chế tác những nhạc cụ dân tộc để tìm bạn đời. Gia đình ông là một trong những hộ gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề này. “Để gắn bó được với nghề đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, sáng tạo, cần mẫn để cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng, mang đậm bản sắc dân tộc của người Mông” ông Giàng A Lùng chia sẻ.
Để có một sản phẩm tốt, người thợ rèn phải chuẩn bị thật kỹ mọi công đoạn. Ngay cả than để đốt cũng không được dùng bằng than đá. Sắt được cho vào lò nung đỏ, rồi đưa lên đe dùng búa đập, sau đó để nguội lại tiếp tục cho vào nung, cứ như vậy đến khi nào tạo thành sản phẩm như ý muốn. Ngoài rèn được những sản phẩm như dao, lưỡi cuốc..., lò rèn của gia đình ông Lùng còn làm ra những sản phẩm dùng cho đời sống tinh thần đó là sáo lưỡi gà, khèn môi. Thực tế, nghề rèn ở Tả Lèng hiện nay đang dần bị mai một, rất ít lò rèn còn đỏ lửa. Cả xã có 4 đến 5 gia đình theo nghề truyền thống của dân tộc. Anh Giàng A Thào ở bản Hồ Pên là một trong những người theo học, bản thân anh cũng đã nắm được một số phương pháp cơ bản để rèn và chế tác nhạc cụ dân tộc. Mặc dù những sản phẩm anh làm ra chưa được tinh sảo, âm thanh phát ra từ cây sáo chưa được vang, nhưng đó là điều thật sự đáng quý khi nghề rèn đang dần bị mai một theo thời gian. Chính vì muốn giữ lại truyền thống của cha ông mà anh Thào quyết tâm học và vận động thanh niên trong bản cùng học theo mình. Là người đã theo học ông Lùng được gần 1 năm nay, đến bây giờ, anh Giàng A Thào hàng ngày vẫn theo học nghề rèn với mong muốn sẽ gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình, lưu truyền cho con cháu đời sau. Anh chia sẻ: Bản thân tôi cũng đã nắm được một số phương pháp cơ bản để rèn và chế tác nhạc cụ dân tộc. Chính vì muốn giữ lại truyền thống của cha ông mà tôi quyết tâm học và vận động thanh niên trong bản cùng học theo mình”
Trước sự “biến mất” gần hết của những lò rèn, những năm qua chính quyền địa phương đã đặt ra việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống, nhất là nghề rèn của người Mông. Đó cũng là điều ông Giàng A Lùng luôn trăn trở. Hiện nay, ông Lùng đang truyền nghề cho các con, các cháu trong dòng họ. Ông có tâm nguyện sẽ truyền cho bất cứ thanh niên nào nếu còn mặn mà với nghề của cha ông. Bởi với ông, việc bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống chính là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông.
 

Nguồn tin: Yến Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down