Hồ Thầu giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong trường học

Thứ hai - 13/02/2023 03:43 1.482 0
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn xã Hồ Thầu đã thực hiện lồng  ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong một số môn học, hoạt động ngoại khóa truyền dạy cho học sinh kiến trúc về nhà ở, trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian... Tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, hội thi liên quan đến văn hóa các dân tộc cho học sinh. Đã thành nền nếp, nhiều năm qua, cứ vào thứ Tư hằng tuần, các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Thầu lại khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống với niềm tự hào, trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.
Thầy giáo Nguyễn Đình Diên – Hiệu trưởng trường TH&THCS Hồ Thầu, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 03 – NQ/HU, ngày 10/9/2020 của BCH Đảng bộ huyện Tam Đường về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trên tinh thần đó nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và tiến hành chia tổ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, mỗi tổ có nhiệm vụ khác nhau, tìm hiểu từng nét văn hoá riêng của của dân tộc Dao trên địa bàn xã Hồ Thâu. Qua đó, xây dựng phương án lồng ghép trong việc tuyên truyền, giảng dạy cho học sinh. Việc làm này của nhà trường đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các bậc phụ huynh. Đặc biệt, đã góp phần khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc cho học sinh”.
Với việc hững nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình được thường xuyên phục dựng trong nhà trường, các em học sinh ai nấy đều cảm thấy tự hào Em Lý Thị Ngã - Học sinh lớp 9A1, trường TH&THCS Hồ Thầu, huyện Tam Đường, nói: “Bản thân em là người dân tộc Dao, khi được tham gia những hoạt động lễ hội, hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức chúng em cảm thấy rất tự hào và vinh dự. Giúp chúng em hiểu biết thêm về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ đó mỗi bạn học sinh đều có ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Dao”.

 
HT
Bài múa “Chuông” truyền thống của dân tộc Dao được các em học sinh trường TH&THCS bán trú Hồ Thầu tái hiện trong giờ học ngoại khoá.
Hồ Thầu là xã vùng cao của huyện Tam Đường gồm dân tộc Dao và dân tộc Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 88% dân số. Đồng bào người Dao vẫn duy trì được nhiều nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng như: hát đối, hát dao duyên, Lễ Tủ cải, Lễ cưới, nhảy lửa... Ngoài các lễ hội, thì một nét đặc trưng của Văn hoá Dao còn được lưu giữ khá nguyên vện thông qua những bộ trang phụctruyền thống. Qua việc đưa văn hóa vào giảng dạy trong trường học đã góp phần nâng cao ý thức của học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để việc giảng dạy hiệu quả, đội ngũ giáo viên cũng cần tích cực tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về  văn hóa truyền thống dân tộc Dao nơi đây để truyền dạy cho học sinh đạt hiệu quả. Bên cạnh các bài giảng, hoạt động ngoại khoá, thì thư viện, phòng truyền thống của nhà trường cũng là nơi lưu giữ, là kênh truyền tải những giá trị văn hoá khá hiệu quả. Nói về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc trong nhà trường, thầy giáo Nguyễn Đình Diên – Hiệu trưởng trường TH&THCS bán trú Hồ Thầu, huyện Tam Đường, cho biết thêm: “Để tiếp tục phát huy, gìn giữ, duy trì những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc địa phương, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới các em học sinh; thành lập mới một số câu lạc bộ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; thực hiện sắp xếp, bố trí kinh phí cho sưu tầm các tư liệu, đa dạng hóa các hoạt động để các em học sinh có một sân chơi bổ ích, hăng say học tập”.
Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực không chỉ giúp học sinh các dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc.
Cầm Thanh

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down