Nhiều ngày nay, dòng nước thải đen ngòm, sủi bọt trắng cùng với bã dong riềng, chảy từ một con mương nhỏ ra thẳng dòng Nậm Dê ở khu vực các bản Km2 - Nà San - Nà Đon thuộc xã Bình Lư cách cơ sở sơ chế củ dong Tâm Hà ở đầu bản Km2 khoảng 300m. Theo quan sát của phóng viên, xung quanh bờ suối nơi dòng nước thải chảy qua ứ đọng nhiều bã dong thành lớp dày bốc mùi hôi thối, tanh nồng.
Được biết đã nhiều năm nay, các hộ dân sống tại bản Nà Đon - xã Bình Lư nằm ngay sát dòng Nậm Dê thường xuyên ra suối để tắm giặt nhưng kể từ khi cơ sở xát dong Tâm Hà đi vào hoạt động vào thời điểm cuối năm 2022, thì các hộ dân ở đây không dám ra suối tắm giặt nữa, bởi dòng nước trong vắt trước kia nay đã đổi màu và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân ở khu vực này.
Người dân bản Nà Đon - xã Bình Lư kiểm tra nguồn nước trên dòng Nậm Dê.
Anh Lò Văn Hợp - Trưởng bản Nà Đon, xã Bình Lư nói: Đã từ rất lâu rồi người dân bản Nà Đon chúng tôi sử dụng nước từ con suối Nậm Dê này để sinh hoạt hàng ngày như: tắm giặt... Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, tình hình ô nhiễm rất nặng nên bà con không dám sử dụng như mọi khi. Cá ở suối cũng thấy chết, bã dong đọng rất nhiều, mùi hôi thối bốc lên, bà con nhân dân rất bức súc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở Tâm Hà bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2022 phục vụ nhu cầu chế biến tinh bột dong riềng của nhân dân. Công suất thời gian cao điểm lên tới 30 tấn củ/ngày tương ứng với nguồn nước thải là khá lớn. Trong quá trình vận hành, đã nhiều lần chính quyền địa phương và lãnh đạo UBND huyện trực tiếp kiểm tra, yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đ/c Sùng Lử Páo kiểm tra khu vực xả thải của cơ sở xay xát củ dong Tâm Hà.
Trước những thông tin phản ảnh của người dân, vào hồi 18h ngày 15/2/2023, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sùng Lử Páo đã đến kiểm tra đột xuất, tại đây cơ sở Tâm Hà đang có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Thời điểm kiểm tra, hệ thống máy xay xát vẫn đang hoạt động với công suất cao, nước thải thay vì chảy vào 3 ao chứa lại trực tiếp xả thẳng ra mương nước dẫn ra dòng suối Nậm Dê.
Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Qua kiểm tra đột xuất thực tế thì đây là việc cơ sở sản xuất bột dong đã không thực hiện cam kết với cấp ủy, chính quyền địa phương. Quan điểm của huyện trước mắt là sẽ dừng hoạt động của cơ sở này; sau đó sẽ đánh giá những ảnh hưởng đến môi trường từ việc xả thải và sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nước thải đục ngầu, nổi bọt trắng xóa không qua bể lắng, lọc được xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ngay khi phát hiện, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xuống kiểm tra và tiến hành lập biên bản vụ việc, tạm dừng hoạt động của cơ sở, thu mẫu nước thải phân tích mức độ ô nhiễm làm căn cứ xử lý vi phạm theo quy định. Trước những sai phạm với bằng chứng rất rõ ràng, chủ cơ sở cũng đã có cam kết khắc phục để có thể sớm tái sản xuất trong thời gian sớm nhất. Anh Đỗ Tuấn Tâm - Chủ cơ sở chế biến tinh bột dong Tâm Hà thừa nhận: Trước sự việc chính quyền địa phương phát hiện, chúng tôi cũng xin tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố sớm nhất, để có thể hoạt động trở lại kịp với vụ thu dong của bà con nông dân.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang tiến hành lập biên bản sự việc.
Sản phẩm miến dong Bình Lư đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Từ hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, ngoài xã Bình Lư, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng dong, nâng tổng diện tích dong của toàn huyện năm 2022 lên hơn 280 ha. Tuy nhiên, từ vụ việc vi phạm quy định về môi trường của cơ sở Tâm Hà và những bất cập trong vấn đề này, huyện Tam Đường cần có những biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với với bảo vệ môi trường.
Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường khẳng định: Đảm bảo cho việc an toàn vệ sinh môi trường cũng như an toàn xả thải, trước hết huyện xác định xây dựng vùng quy hoạch tập trung để gom các điểm xay bột dong nhỏ lẻ thành khu nhằm đảm bảo không ảnh hưởng môi trường, nước sinh hoạt, người dân xung quanh. Thứ hai, nếu chưa làm được việc đó, huyện sẽ phải tính toán đó là các điểm trồng dong sẽ phải có nhà máy mi ni xay bột khu vực đóđảm bảo không để ảnh hưởng môi trường.
Hoàng Cường