Khám phá nét đẹp nghề mây, tre đan tại Bản Giang

Thứ hai - 26/10/2020 20:45 1.552 0
Nghề mây, tre đan nghề đã trải qua rất nhiều thế kỷ và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân miền Bắc nước ta. Ở Bản Giang, nghề mây, tre đan thủ công vẫn là nghề còn rất mới mẻ với người dân nơi đây. Nhưng cách đây khoảng 6 – 7 năm, vợ chồng anh Vùi Văn Tiến ở bản Giang, xã Bản Giang, huyện Tam Đường đã quyết định mở xưởng và gắn bó với nghề này, với mong muốn tạo được nhiều hơn nữa công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Hôm nay là ngày cuối tuần nên rất đông chị em trong bản đến với xưởng mây tre đan của anh Tiến để vừa học, vừa làm. Tại đây, với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đã biến những chất liệu bình dị, giản đơn thành những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt. Không có máy móc hiện đại nào có thể thay thế được những đường nét tinh xảo, tài hoa từ đôi bàn tay của các nghệ nhân. Bà Lý Thị Pan, Bản Giang, xã Bản Giang, huyện Tam Đường là một trong những người thợ đã theo học tại nhà anh Tiến được một thời gian dài, chia sẻ về nghề mây, tre đan này, bà nói: “Tôi đã đến nhà anh tiến để học nghề này và đã được một tháng rồi. Được anh Tiến tạo điều kiện cho người dân chúng tôi, hiện nay chúng tôi cũng đã biết đan gần như thành thục các bước từ đơn giản đến phức tạp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm thu nhập cho gia đình”.
Để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, các nghệ nhân đã chuẩn bị rất kĩ càng từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến khâu chế tạo ra sản phẩm rất công phu và tỉ mỉ. Từ những vật dụng hằng ngày như: rổ, rá, khay,… ở Bản Giang, các nghệ nhân còn tạo ra những sản phẩm nội thất như bàn, ghế, với cách đan khác nhau và công phu. Đây là nguồn thu nhập cho người dân nơi đây trong những lúc nông nhàn. Chị Lý Thị Thương, Bản Giang, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Tôi thấy nghề này cũng mất một khoảng thời gian nhất định để học, đến nay thì tôi đã có thể đan được những vật dụng phức tạp. Gia đình anh Tiến cũng đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi, những lúc nông nhàn thì chúng tôi đến đây để làm và tạo thêm thu nhập cho chúng tôi”.

 
IMG 1
Những người thợ làm mây, tre đan tại nhà anh Vùi Văn Tiến, Bản Giang, xã Bản Giang, Tam Đường.

Về với bản Giang hôm nay, chúng ta được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay
khéo léo của các nghệ nhân làm ra những sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là nơi góp phần đưa những tinh hoa văn hóa của người dân tộc Dáy đến với mọi miền của tổ quốc. Được biết, hiện nay huyện Tam Đường đang định hướng phát triển, mở rộng nghề mây, tre đan trên địa bàn để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời nhằm tạo công ăn việc làm nhiều cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi. Là một trong người đi đầu trong nghề mây, tre đan ở xã Bản Giang, anh Vùi Văn Tiến, Bản Giang, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Nghề mây, tre đan này đã có từ lâu năm, bản thân tôi thấy nghề này ngày càng mai một nên tôi đã quyết định theo nghề này. Nghề mây, tre đan không chỉ những giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và bà con trong bản. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô với mong muốn sẽ có nhiều người trẻ đam mê và theo nghề này hơn”.
Có thể thấy, nghề đan lát thủ công tại xã Bản Giang có vị trí rất quan trọng với người dân địa phương. Chính yếu tố truyền thống, sự yêu nghề đã trở thành mấu chốt giúp cho người dân Bản Giang sống được với nghề. Và hi vọng rằng, với giá trị tinh hoa văn hóa đó, với những bước khởi đầu mới người dân Bản Giang sẽ có bước đột phá sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mới để ngày càng nhiều thế hệ tham gia hơn nữa.
Cầm Thanh

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down