Khun Há là một trong những xã vùng cao, nơi đây, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp mà chưa phát triển nhiều loại hình kinh tế, do đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Trước tình hình đó chương trình CISDOMA đã hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn xã một số mô hình để tạo sinh kế giúp người dân mở ra hướng đi trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Trước đây cuộc sống của gia đình anh Cứ A Tủa ở bản Lao Chải 2 - xã Khun Há chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và thu nhập dưới tán rừng mà không có thêm bất cứ khoản thu nào khác, nên cuộc sống khá chật vật. Hơn 1 năm nay, kể từ khi được chương trình CISDOMA hỗ trợ cho nhóm hộ mô hình nuôi ong lấy mật. Sau hơn 1 năm nuôi, dự án ong đã đem lại thu nhập cho nhóm của anh được khoảng 20 triệu đồng. Mặc dù số tiền chưa lớn nhưng đã giúp anh và các hộ gia đình trong nhóm biết được kỹ thuật chăm sóc, nhân đàn, thu mật, từ đó tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cứ A Túa nói: Ban đầu chúng tôi được dự án hỗ trợ 2 lần 70 đàn ong, sau gần 1 năm chúng tôi đã nhân ra được gần 90 đàn và đã có thu nhập từ ong mật, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân thêm đàn, đồng thời phổ biến những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, tách đàn cho nhiều người dân hơn nữa để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Không chỉ hỗ trợ ong, tháng 3 năm 2021 chương trình CISDOMA còn hỗ trợ bản Lao Chải 2 thêm mô hình nuôi dúi và mô hình ủ phân vi sinh để tận dụng các chế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt và giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Anh Cứ A Chừ bản Lao Chải 2 cho biết: Từ năm 2019 đến nay, bản Lao Chải 2 chúng tôi đã được dự án hỗ trợ 3 mô hình đồng thời được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình, qua các mô hình được dự án hỗ trợ tôi thấy không chỉ các nhóm hộ được hưởng lợi mà bà con trong bản cũng nắm bắt được kỹ thuật để áp dụng vào sản xuât của gia đình mình. Nhân dân thuộc nhóm hộ nuôi ong kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của đàn ong.
Được biết từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý các chương trình phát triển cộng đồng huyện Tam Đường đã hỗ trợ cho người dân 5 bản của xã Khun Há là: Lao Chải 2, Sin Chải, Chù Khèo, San Phàng Cao, San Phàng Thấp các mô hình như: Ủ phân vi sinh, canh tác trên đất dốc, mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi dúi thương phẩm, trồng cây ăn quả ôn đới, với 320 hộ dân tham gia được hưởng lợi.
Đánh giá về hiệu quả của các mô hình này ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho rằng: Căn cứ vào tình hình của địa phương chúng tôi đã đề xuất và được chương trình hỗ trợ các dự án sản xuất mới, mặc dù thời gian thực hiện chưa lâu nhưng chúng tôi nhận thấy các mô hình trên địa bàn xã đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhất là việc thay đổi nhận thức không phải quá phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là phát huy được lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương. Có thể nói đây là một trong những hướng đi giúp tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương và tạo thêm hướng đi mới cho nhân dân trong việc phát triển kinh tế có thu nhập cao hơn.
Mặc dù chương trình CISDOMA chỉ hỗ trợ phát triển các dự án nhỏ nhưng đến nay các mô hình được đầu tư trên địa bàn xã Khun Há đều đang phát triển khá tốt, tạo điều kiện giúp người dân thay đổi thói quen trong sản xuất và mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Hoàng Cường