Qua các phương tiện truyền thông và những câu chuyện từ cộng đồng khi có nhiều trường hợp bệnh nhân vật vã bởi bệnh tật cần phải ghép mô, ghép tạng mới duy trì được sự sống. Là giáo viên của trường THCS Bản Bo anh Phạm Văn Tuyến muốn hiến một phần cơ thể cho việc phục vụ cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo. Anh quan niệm, nếu bản thân mình không may qua đời, cơ thể mình cũng sẽ bỏ đi, trong khi đó rất nhiều người cần đến, vậy sao không cho đi. Chia sẻ với chúng tôi anh Tuyến nói: Bản thân tôi luôn nghĩ, giá trị của cuộc sống con người là ở lúc còn sống còn thở, còn cống hiến, một khi đã chết đi thì “Cát bụi cũng trở về với cát bụi”. Chính vì vậy, theo quan niệm của tôi, nếu bản thân mình không may qua đời, cơ thể mình cũng sẽ bỏ đi, trong khi đó rất nhiều người cần đến những bộ phận của cơ thể mình, vậy sao mình không cho đi?.
Cùng chung suy nghĩ với anh Tuyến, chị Nông Thu Hằng cán bộ Văn phòng huyện ủy Tam Đường cũng đã đăng ký hiến tặng một phần cơ thể của mình để giúp những bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiểu được ý nghĩa của phong trào, nhiều người tình nguyện đăng ký hiến mô, hiến tạng.
Chị Hằng chia sẻ: Tôi nghĩ mỗi cuộc đời không ai được chọn vẹn, khi con người chúng ta đến một độ tuổi nhất định cũng sẽ già yếu, bệnh tật, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ khi mình có khả năng giúp đỡ những người khác tại sao mình không giúp. Tôi chỉ hi vọng một phần cơ thể của mình khi được hiến sẽ giúp cho người cần có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Những việc làm của người hiến mô, tạng và gia đình của họ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm thông điệp đầy yêu thương trong cuộc sống: Cho đi là còn mãi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bà Lò Thị Duyên - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lai Châu cho biết: Phong trào hiến mô, hiến tạng đã được các cấp hội trên toàn quốc tổ chức, tuy nhiên tại Lai Châu cũng chỉ mới triển khai và lần đầu tiên được phát động ở huyện Tam Đường, để cuộc phát động này có hiệu quả chúng tôi đã phối hợp với Ban chỉ đạo huyện Tam Đường tăng cường công tác tuyên truyền ý nghĩa nhân văn của chương trình, qua chương trình này sẽ góp phần giúp ngành y tế và những người không may mắn mắc phải những căn bệnh cần mô, cần tạng nối dài thêm sự sống nhất là đối với những bệnh nhân nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là phong trào mới nhưng mang ý nghĩa rất nhân văn, đặc biệt nhiều người vẫn chưa hiểu hết được cho nên thời gian tới chúng tôi sẽ chỉa đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền giúp nhân dân hiểu được và chung tay chia sẻ với cộng đồng nhất là đối với những trường hợp không may mắn cần mô, cần tạng.
Tuy phong trào mới được triển khai nhưng chương trình đã thu hút được 99 người đăng ký hiến mô, hiến tạng, qua phong trào cho thấy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta luôn được phát huy. Việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời chính là việc làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại. Hoàng Cường