Đồng bào dân tộc Lự là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam với số dân dưới 10.000 người. Trong những năm qua, xã Bản Hon luôn xác định bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lự là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Đây là những di sản văn hóa quý báu gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Lự như: Lễ hội Sú Khon Khoài (Cúng hồn trâu), nhuộm răng đen, dệt thổ cẩm, thêu váy, áo và tiếng khèn, điệu múa, vòng xòe…
Xã Bản Hon có 595 hộ dân, 2.866 nhân khẩu với 90% là đồng bào Lự sinh sống. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Lự xã Bản Hon kết tinh, gìn giữ và kế thừa những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa được người dân nơi đây trân trọng, chủ động gìn giữ những di sản truyền thống dân tộc của ông cha để lại. Trước đây, thiếu nữ dân tộc Lự từ 13 - 14 tuổi trở lên đều nhuộm răng đen từ cây gỗ được gọi là “mạy chum cài” hay “mạy tỉu” cho răng chắc, thể hiện nét đẹp văn hoá đặc sắc riêng. Nếu thiếu nữ nào không nhuộm răng đen, sẽ bị chê cười, kém duyên, khó lấy chồng người dân tộc Lự. Đến nay, thiếu nữ Lự không còn nhuộm răng đen mà chỉ phụ nữ, nam giới trên 30 tuổi vẫn giữ thói quen này. Việc nhuộm răng thường được các anh, chị, em thực hiện sau khi ăn cơm tối. Đây được ví như một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc được người dân tộc Lự được lưu giữ từ nhiều đời nay.
Người dân ở bản Thẳm xã Bản Hon nhuộm răng đen.
Mọi hoạt động của người dân nơi đây gắn bó với phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục. Mỗi hộ dân trên địa bàn đều có dụng cụ quay, se sợi và khung cửi dệt vải. Đây là nét văn hoá đặc sắc truyền thống của dân tộc Lự. Từ đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Lự thêu, dệt thủ công những họa tiết hoa văn độc đáo. Thiếu nữ dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc dệt vải, thêu khăn, gối cho từng thành viên trong gia đình. Sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc Lự khá phong phú như: khăn đội đầu, váy, áo, thắt lưng, túi. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Phương ở bản Đông Pao II, xã Bản Hon tâm sự: “Nhờ các bà, các mẹ dạy cho cách dệt vải, thêu, may trang phục, hàng năm, tôi tự tay thiết kế cho mỗi thành viên trong gia đình từ 2 - 3 bộ váy, áo thổ cẩm. Mỗi công đoạn, tôi đều thận trọng, tỷ mỷ, công phu từ khâu dệt vải, nhuộm chàm, cắt may đến thêu những họa tiết trắng, vàng, đỏ trên nền vải đen. Từ đó, gia đình tôi sử dụng thường xuyên trang phục váy, áo thổ cẩm đủ màu sắc rực rỡ có giá trị cả về thẩm mỹ và truyền thống dân tộc Lự, được nhiều du khách yêu thích”.
Các thầy cúng thực hiện Lễ hội Sú Khon Khoài (Cúng hồn trâu) ở xã Bản Hon
Một trong những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Lự xã Bản Hon phải kể đến là người dân còn lưu giữ tín ngưỡng lễ cúng rừng (Căm Lung) được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn dân khỏe mạnh. Hay như, Lễ hội Sú Khon Khoài (Cúng hồn trâu) do các thầy cúng trên địa bàn xã thể hiện, tạ ơn loài vật này đã nỗ lực vất vả, đồng hành, cùng người dân lao động sản xuất, mang lại vụ mùa bội thu. Đây là dịp người dân tôn vinh những nét đẹp, giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, nâng cao nhận thức chăm sóc con trâu đã gắn bó, đồng hành để khó nhọc, sản xuất ra ngô, thóc, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã khóa XX nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi đã tập trung lãnh đạo việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự. Trong đó quan tâm chú trọng bảo tồn các lễ hội như: Sú Khon Khoài, Căm Lung… Chỉ đạo các đội văn nghệ thường xuyên luyện tập bảo tồn phát huy các làn điệu dân ca và đực biệt là bảo tồn các nghề truyền thống của đồng bào, trong đó quan tâm chú trọng đến các nghệ nhân để lưu giữ truyền đạt lại bản sắc văn hóa cho các thế hệ trẻ”
Chị, em ở bản Thẳm xã Bản Hon thêu, dệt váy, áo thổ cẩm
Việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lự ở Bản Hon đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Qua đó, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể văn hóa, khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Ngọc Hà