Những năm qua, để giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, Tam Đường đã quan tâm, chú trọng và tăng cường công tác đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, giúp người dân nắm vững kiến thức, khoa học kỹ thuật có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Mặc dù thường xuyên chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm nhưng do không hiểu biết về khoa học, kỹ thuật nên gia đình chị Tao Thị Sam ở bản Phiêng Pẳng - xã Bản Bo chỉ chăn nuôi theo kiểu truyền thống nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình chậm lớn, hiệu quả đem lại không cao. Nhưng nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc tại bản chị đã đăng ký học để về áp dụng tại gia đình. Chị Sam chia sẻ: Gia đình mình có chăn nuôi lợn, gà nhiều năm nay nhưng mình chỉ biết cho ăn hàng ngày, nhiều lúc lợn ốm không biết lợn, gà bị bệnh gì để mua thuốc chữa nên đàn gia cầm của gia đình mình hay bị còi cọc, chậm lớn. Nay được học lớp nghề chăn nuôi gia súc này mình sẽ cố gắng học để về biết cách chăn nuôi giúp đàn gia súc, gia cầm của nhà mình phát triển tốt hơn, đem lại thu nhập cho gia đình.
Một tiết học lý thuyết tại lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại bản Phiêng Pẳng - xã Bản Bo.
Còn đối với gia đình anh Tao Văn Bun ở Bản Thẳm - xã Bản Hon còn gặp nhiều khó khăn bởi chỉ có ít đất sản xuất nông nghiệp và một ít đất đồi, quanh năm chỉ trồng ngô, trồng lúa, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Gia đình anh muốn chuyển đổi một số diện tích đất đồi kém hiệu quả sang những trồng khác nhưng vẫn loay hoay chưa biết chọn cây gì. Khi xã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở lớp dạy nghề trồng cây ăn quả, anh đã đăng ký học để nắm bắt được kỹ thuật về chuyển đổi đất đồi sang trồng Chanh leo. Anh Bun chia sẻ: Khi thấy có lớp dạy nghề trồng cây ăn quả, mình đăng ký học, trong quá trình học mình đã được giảng viên hướng dẫn và được thực hành trên mô hình Chanh leo và mình thấy hiện cây Chanh leo đem lại thu nhập khá ổn định nên sau lớp học này mình sẽ đầu tư trồng Chanh với mong muốn sẽ mang lại thu nhập cao hơn cây ngô, cây lúa.
Giảng viên đang hướng dẫn học viên chăm sóc cây Chanh leo.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có kiến thức khoa học kỹ thuật, hàng năm Trung tâm GDND - GDTX huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng vào nhu cầu của người dân và các ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã mở 85 lớp đào tạo nghề cho 2.555 học viên, 100% là đồng bào dân tộc, tập chung vào các nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… và một số lớp nghề phi nông nghiệp. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được khoa học, kỹ thuật áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Sơn - GĐ Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tam Đường cho biết: Trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo nghề hàng năm huyện giao, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương, tiến hành khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập chung mở các lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó chúng tôi cũng bố trí đội ngũ giảng viên có kiến thức, kỹ năng đứng lớp. Do đó, học viên đã được tiếp thu được kiến thức từ các lớp học nghề để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, từ đó nâng cao được năng xuất, chất lượng tạo sản phẩm bán ra thị trường, có thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Các học viên tham quan mô hình chăn nuôi lợn
Từ những định hướng đúng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đồng bào dân tộc thiểu số, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã mở ra tương lai, hướng đi mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước làm thay đổi nhận thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hoàng Cường