Nhằm khai thác tối đa, hiệu quả các điểm du lịch văn hoá trên địa bàn, theo Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường giai đoạn 2020 - 2025”, huyện Tam Đường đã quy hoạch chi tiết xây dựng 3 bản homstay gồm: Bản Thẳm (xã Bản Hon), Lao Chải 1 (xã Khun Há), Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) để đầu tư một cách quy mô, bài bản và chuyên nghiệp, tạo kỳ vọng khởi sắc cho du lịch cộng đồng.
Câu chuyện về người dân trực tiếp làm du lịch không còn mới lạ ở Tam Đường, bởi từ lâu nhiều bản văn hóa du lịch đã được đầu tư phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên thực tế cho đến nay, các bản văn hóa du lịch chưa khai thác được tối đa lợi thế, do vậy mô hình du lịch cộng đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Homestay là một trong những hình thức du lịch cộng đồng theo hướng khách du lịch đến lưu trú, khám phá, tìm hiểu văn hóa, cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân bản địa, mang lại góc nhìn gần gũi và thực tế về mảnh đất, con người. Mô hình mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương khi người dân trực tiếp tham gia, tăng thu nhập từ các hoạt động du lịch. Với thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng những phong tục tập quán độc đáo và đa dạng, Tam Đường có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Vẻ đẹp bản Du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường.
Khai thác tiềm năng này, thời gian qua huyện Tam Đường đã xây dựng và đưa vào hoạt động một số bản du lịch cộng đồng tại một số xã như Bản Hon, Khun Há, Hồ Thầu, Nùng Nàng,… Nhưng sản phẩm du lịch vẫn còn manh mún chưa đa dạng, thiếu sức hấp dẫn với du khách. Nói về thực trạng phát triển mô hình du lịch cộng đồng của bản trong nhiều năm qua, anh Tao Văn Ngần- Trưởng bản Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, cho biết: “Bản chúng tôi với đặc thù là bản có 100% đồng bào dân tộc Lự sinh sống, hầu hết còn gìn giữ được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Thời gian qua, nhờ sự định hướng của huyện để làm dịch vụ du lịch cộng đồng thì du khách cũng đã biết đến con người và văn hóa của Bản Thẳm. Tuy nhiên, từ khi được làm du lịch cộng đồng đến nay, các cơ sở vật chất và hoạt động trải nghiệm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, vì vậy việc níu chân du khách lưu trú tại bản chỉ dừng ở số lượng rất khiêm tốn. Do đó, dần dần người dân trong bản cũng không mặn mà với việc làm du lịch”.
Có thể thấy, cản trở lớn nhất đối với mô hình dịch vụ du lịch này chính là sự tham gia của người dân, cộng đồng địa phương không tích cực, còn thụ động, phó mặc theo kiểu khách đến thì tiếp, “có sao dùng vậy” không học hỏi, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa dịch vụ và cách thức phục vụ. Ðể mô hình du lịch này phát triển xứng với tiềm năng thì cần sự thay đổi và đầu tư bài bản. Đứng trước thực trạng này, hiện nay huyện Tam Đường đã triển khai hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng Homestay tại 3 điểm đó là, Bản Thẳm (xã Bản Hon), Lao Chải 1 (xã Khun Há), Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu). Cả 3 mô hình đều được khảo sát kỹ, các hộ gia đình được tư vấn, định hướng thiết kế và tổ chức đi vào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Không chỉ là nơi lưu trú, thưởng thức ẩm thực cho khách du lịch, 3 mô hình này hứa hẹn sẽ còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thực tế về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa. Hộ ông Vàng Văn Phát - bản Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, là một trong những hộ được nhận gói hỗ trợ 50 triệu đồng để làm du lịch Homstay. Ông Phát kỳ vọng: “Gia đình tôi thì cũng chưa làm du lịch cộng đồng bao giờ, năm nay, được sự vận động của cấp ủy, chính quyền tôi đã thực hiện đăng ký làm du lịch. Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho khách lưu trú, bằng tiềm lực của gia đình cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình tôi đã tiến hành chỉnh trang lại nhà cửa, bếp ăn, khu vệ sinh… Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm cũng như đăng ký lưu trú, góp phần tạo thu nhập cho người dân”.
Cho biết thêm về những giải pháp nhằm phát triển, thu hút khách du lịch từ loại hình du lịch Homstay trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Lù Văn Trân - PhóTrưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tam Đường, cho biết: “Nhằm khắc phục tình trạng hiện nay đa số các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Tam Đường đều gặp phải đó là lượng khách du lịch đăng ký ở lại trải nghiệm và lưu trú rất ít, Phòng Văn hóa, Thông tin đã tham mưu với UBND huyện các giải pháp khắc phục và phương án hỗ trợ người dân tại các bản làm du lịch cộng đồng như: mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ làm du lịch, tổ chức cho người dân tại các bản thăm quan mô hình du lịch tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh; mở lớp dạy nấu ăn và hỗ trợ người dân trong việc phục dựng các nét văn hoá truyền thống, đặc trưng của mỗi dân tộc; tăng cường công tác quảng bá cho các điểm du lịch thông qua nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí,…”
Với những chính sách hỗ trợ mô hình Homstay được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình để người dân thấy được lợi ích kinh tế - xã hội từ loại hình du lịch này, từ đó chung tay và tham gia có trách nhiệm, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; giúp người dân sống được từ nghề du lịch và nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng, môi trường, cảnh quan, nét đẹp truyền thống nơi mình sinh sống. Với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, càng thêm tin tưởng mô hình du lịch cộng đồng, loại hình homestay sẽ ngày càng phát triển, có sức hút và níu chân du khách khi đến Tam Đường. Cầm Thanh