Nông dân Tam Đường làm giàu nhờ mô hình HTX trên quê hương

Thứ ba - 17/10/2023 04:13 587 0
Kinh tế tập thể những năm qua đã từng bước khẳng định là hướng đi đúng của huyện Tam Đường. Các hợp tác xã (HTX), nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã quy tụ các mô hình sản xuất kinh tế hộ manh mún, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đây các HTX đã giới thiệu, quảng bá, giúp nâng tầm vị thế các mặt hàng nông sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về vốn vay, các thủ tục hành chính, HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường đã mạnh dạn liên kết các hộ sản xuất sản phẩm miến dong. Hàng chục hộ dân làm nghề sản xuất miến quy tụ lại để sản xuất theo dây truyền tiêu chuẩn VietGap và phấn đấu xây dựng thành sản phẩm OCOP. Sau gần 5 năm triển khai, đến nay mỗi năm HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao. Nhờ có tư cách pháp nhân là hợp tác xã, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, huyện Tam Đường, cho biết:“HTX liên tục được các cơ quan, chính quyền từ xã đến huyện, các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ rất nhiều. Khi mới bắt đầu hoạt động, HTX còn nhiều bỡ ngỡ và trong quá trình hoạt động còn nhiều lúng túng, vì là mô hình các hộ dân liên kết với nhau. Thế nhưng trong quá trình sản xuất thu được rất nhiều thành tựu, các sản phẩm được khách hàng trong nước quan tâm rất nhiều”.
A2
Các mô hình HTX liên kết các hộ nông dân đã nâng tầm vị thế các sản phẩm nông sản ở địa phương.
Còn đối với HTX An Bẩy tại thị trấn Tam Đường, được thành lập vào năm 2019, với 7 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, HTX chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản sạch. Do có lợi thế về nguồn nước và diện tích đất cach tác rộng nên ngoài việc sản xuất cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hiện nay HTX An Bẩy còn đầu tư xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp để thu hút du khách đến tham quan và trực tiếp trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nhiệp như: thu hoạch rau, củ, quả… Ngoài ra, HTX đang xây dựng quy trình công nhận sản phẩm OCOP cho các sản phẩm từ hoa đu đủ, cà chua, su hào. Ông Lê Đức Tiến - Phó Giám đốc HTX An Bẩy, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, chia sẻ: “HTX đang có vùng sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 6ha; trong đó tập trung vùng trồng rau là 3 ha, cây ăn quả là 1,5 và 1,5 ha trồng cây đủ đủ lấy hoa và quả, ngoài ra còn xây dựng nhà màng để trồng các loại rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGap…thu nhập các thành viên hàng năm đều tăng lên đảm bảo cuộc sống”.
A1
Mô hình trồng đu đủ lấy hoa của HTX An Bẩy
Đến nay HTX An Bẩy tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 7 đến 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5- 9 triệu đồng/người/tháng; mức thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 7,2 triệu đồng/thành viên. Ông Lê Công Quang - HTX An Bẩy, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, nói:“Trước đây ngoài làm ruộng thì tôi cũng làm thêm nhiều công việc khác, tuy nhiên rất bấp bênh nên thu nhập không ổn định, từ khi vào HTX thu nhập của gia đình đã ổn định với mức thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng”.
Mô hình phát triển kinh tế tập thể - HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tam Đường là hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các HTX hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm và thu nhập cho bà con nông dân; góp phần nâng cao vị thế và giá trị nông sản trên thị trường, giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cầm Thanh

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down