Thực hiện Nghị quyết về phát triển thâm canh cây chè đến nay huyện Tam Đường đã có 2.120,8 ha chè được trồng. Với hiệu quả mang lại cây chè đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn, đây cũng là cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo
Trong phát triển cây chè thì xã Bản Bo là xã đi đầu của huyện Tam Đường trong thực hiện nghị quyết về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao. Hiện nay xã bản Bo có tổng diện tích chè 863 ha, sản lượng chè hàng năm đạt trên 7.500 tấn. Nhờ định hướng phát triển cây chè đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 2000 lao động tại địa phương và cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn xã xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trung bình từ 3 - 4%.
Trước đây, trên diện tích đất nương đồi gia đình anh Hạng A Phình, bản Nậm Phát, xã Bản Bo chỉ trồng rừng cây gỗ tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Phình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chè. Đến nay, gia đình đã mở rộng trồng gần 1 ha chè Kim tuyên, mỗi năm cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng Anh Hạng A Phình – bản Nậm Phát, xã Bản Bo chia sẻ: Những năm trước trồng ngô, lúa vất vả mà thu nhập không cao. Giờ chuyển sang trồng chè, mỗi năm gia đình thu nhập được gần 100 triệu đồng. Cây chè đã giúp gia đình, xóa đói giảm nghèo và mua được nhiều vật dụng trong gia đình, như: Xe máy, ti vi, tủ lạnh…
Người dân xã Bản Bo thu hái chè
Sau gần 10 năm triển khai chương trình về phát triển cây chè chất lượng cao đến nay tại huyện Tam Đường những nương đồi bỏ hoang đã được thay thế bằng những đồi chè bạt ngàn tập trung tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Bản Hon, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin… với các loại chè: Shan tuyết, Kim tuyên, PH8. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 2.120,8 ha, trong đó chè kinh doanh đạt trên 1.600 ha, sản lượng ước đạt trên 14.000 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Ông Vàng A Dơ – bản Thèn Thầu, xã Khun Há tâm sự: Hiện gia đình tôi có 2,8 ha chè đang cho thu hoạch, mặc dù sản lượng chè chưa nhiều nhưng ngày nào gia đình cũng huy động người thu hái mang bán cho các Công ty thu mua, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên xóa đói giảm nghèo nên gia đình rất phấn khởi.
Nhân dân trên địa bàn huyện tích cực mở rộng diện tích chè
Hàng năm để nhân dân được tiếp cận với chính sách và chủ trương của nhà nước về phát triển cây huyện Tam Đường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách tới bà con nhất là tạo điều kiện cho bà con nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay. Đồng thời để nâng cao chất lượng cây chè huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Công ty chè đóng trên địa bàn hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, làm cỏ và bón phân cho cây chè theo đúng kỹ thuật. Đồng thời mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cho cây chè trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó để đầu ra cho cây chè được thuận lợi, huyện Tam Đường đã chú trọng liên doanh, liên kết với các Công ty thu mua chè với giá cả ổn định, tăng cường sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, quan tâm mở rộng diện tích chè hàng năm.
Nhân dân trên địa bàn huyện tích cực mở rộng diện tích chè
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của cây chè, ông Phong Vĩnh Cường – PCT UBND huyện Tam Đường cho biết: Những năm qua, huyện Tam Đường đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó xác định cây chè là cây trồng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là chú trọng phát triển vùng chè theo hướng hàng hóa tập trung, huyện đẩy mạnh đưa giống chè chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè. Bên cạnh đó, huyện tăng cường liên doanh, liên kết giữa người trồng chè với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay có 05 doanh nghiệp, 03 HTX, 04 hộ gia đình cá nhân đang thực hiện liên kết, bao tiêu thu mua chè búp tươi với 3.255 hộ dân. Cây chè đã và đang giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ đó, đến hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 25,52%
Với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương tại huyện Tam Đường trong phát triển và mở rộng diện tích cây chè. Đến nay cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trọng Hoản