Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thứ sáu - 05/07/2024 02:55 513 0
Từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng, anh anh Lù A Pạ (sinh năm 1979, dân tộc Giáy) ở bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với kinh doanh và từng bước vươn trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông nên anh Lù A Pạ luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nghèo. Với quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Pạ quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Khởi nghiệp với số vốn 10 triệu đồng đi vay của anh em họ hàng, anh Pạ đã đầu tư vào chăn nuôi lợn bản địa  rồi nuôi gà. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên đàn lợn, gà của gia đình anh bị dịch và chết hết. Không nản trí, anh tiếp tục vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi. Sau 2 lần khởi nghiệp “ thành quả” anh Pạ thu được là số nợ lên đến gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với anh và gia đình. Số nợ này đã khiến anh buồn, chán và mất niềm tin vào bản thân. Nhưng lúc khủng hoảng nhất, may mắn anh Pạ luôn nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình, người thân.
Có nguồn động viên từ gia đình, anh Pạ tự an ủi “Thất bại là mẹ của thành công”. Tư đó, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt do các cấp tổ chức, tham quan học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong xã để đúc rút những kinh nghiệm trong chăn nuôi cho bản thân mình. Nhờ kiên trì, chịu khó ham học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, đàn vật nuôi của gia đình anh đã phát triển tốt. Đến nay, mỗi năm gia đình anh chăn nuôi trên 50 con lợn thịt, xuất bán ra thịt trường gần 5 tấn lợn thương phẩm và chăn nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa trên 300 con.
IMG 450 a
Anh Lù A Pạ chăm sóc đàn lợn của gia đình
Bên cạnh đó, anh Pạ còn nối tiếp nghề nấu rượu ngô men lá truyền thống của gia đình. Trung bình mỗi ngày gia đình anh Pạ sản xuất ra 40 lít rượu, giá bàn từ 30.000 đồng – 35.000đồng /lít. Vì bán rượu lâu năm, đã có thương hiệu nên rượu của gia đình anh không chỉ được khách trong tỉnh đặt mua mà khách tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên… cũng tìm đến đặt mua với số lượng lớn. Hàng năm gia đình nấu bán ra thị trường khoảng 10.000 lít rượu ngô. Nhận thấy lượng tiêu thụ rượu khá nhiều nên anh Pạ đã kết hợp chăn nuôi lợn từ bã rượu, không chỉ xây dựng hệ thống nấu rượu khép kín, theo quy trình mà anh còn đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn theo hướng chăn nuôi khép kín một chiều, xây dựng bể biôga, có hệ thống phun khử khuẩn phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Ngoài nấu rượu kết hợp chăn nuôi, gia đình an Pạ còn tích cực làm ruộng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, gia đình anh gieo cấy trên lúa 1 ha chất lượng cao, 2 ha ngô; 2 ha chè và chăn nuôi thủy sản với diện tích trên 1500 m². Để có thêm thu nhập, gia đình anh còn mở cửa hàng bán tạp hóa phục vụ bà con dân bản....
IMG 451 a
Anh Lù A Pạ thu hái chè
Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh thu nhập gần 600 triệu đồng/năm. Kinh tế ổn định đã giúp gia đình anh xây dựng ngôi nhà 2 tầng  khang trang với kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng và có điều kiện nuôi con cái ăn học. Anh Lù A Pạ - bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường chia sẻ “Với tôi muốn thoát cái đói nghèo và vươn lên làm giàu thì trước tiên mình phải có ý chí, nghị lực và niềm tin vào công việc mình đang làm. Trong sản xuất ngoài cần cù, chịu khó, mình phải biết lựa chọn cây, con để nuôi trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, đồng thời phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì mới có được thành công…”
Không chỉ giỏi tính toán trong làm ăn, bản thân anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất, kinh doanh; giúp đỡ bạn bè, bà con hàng xóm cùng phát triển kinh tế gia đình. Thời gian qua, gia đình anh đã giúp đỡ, hướng dẫn cho 12 hộ gia đình trong bản phát triển kinh tế, thoát nghèo, chủ yếu tập trung vào nuôi cá, gia cầm, nấu rượu và trồng chè; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Anh Lò Văn Cảnh – bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường chia sẻ: Tôi là người dân sống ở bản Lở Thàng, xã Thèn Sin và được biết anh Pạ cũng là một người dân rất nhiệt tình giúp đỡ bà con, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi trồng trọt cho bà con. Từ đó chúng tôi cũng áp dụng được mô hình chăn nuôi trồng trọt từ anh Pạ. Dân bản chúng tôi cũng rất quý mến anh ấy.
Không những thế anh còn là một công dân gương mẫu luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trách nhiệm của mình và luôn đi theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và của địa phương. Nhận xét về anh Lù A Pạ, ông Lù A Kèn – Bí thư chi bộ bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường cho biết: Trong bản trong năm qua cũng có rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến ví dụ như gia đình anh Lù A Pạ. Anh Pạ luôn biết cách phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi gia súc gia cầm, nấu rượu... Bên cạnh đấy, gia đình anh Pạ còn giúp những gia đình trong bản khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho nhân dân trong bản.
Với những thành tích đã đạt được, vừa qua anh Lù A Pạ vinh dự và tự hào là 1 trong số 14 hộ gia đình điển hình tiên tiến được UBND huyện Tam Đường biểu dương khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt qua chặng đường khởi nghiệp đầy chông gai của anh. Và câu chuyện khởi nghiệp của anh Pạ sẽ trở thành nguồn cổ vũ, động viên cho những người nông dân vững tin khởi nghiệp làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình./.                                                                                                    
                                                          Trọng Hoản + Ngoc Hà

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Trọng Hoản + Ngọc Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down