Đến Tam Đường, Lai Châu du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, mà bên dòng Nậm Mu xanh biếc uốn lượn trải dài theo những cánh đồng màu mỡ là những cọn nước làm nên nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái tại xã Bản Bo, Tam Đường. Cọn nước không chỉ thể hiện nét văn hóa mà còn lưu giữ tập quán canh tác đặc trưng của người vùng cao nơi đây.
Không biết từ bao giờ hình ảnh những chiếc cọn nước như những bánh xe khổng lồ, chậm rãi quay những vòng quay đều đều bên dòng suối đã trở thành nét đẹp đặc trưng của người đồng bào dân tộc Thái tại bản Bo, Tam Đường. Quá trình làm mỗi chiếc cọn nước là cả một kỳ công như những bí quyết được truyền lại từ nhiều thế hệ. Tất cả vật liệu làm cọn đều có nguồn gốc từ trong tự nhiên như: tre, nứa, gỗ, mây, vầu,… Hình dạng của chiếc cọn được định hình bời phần guồng, trục quay, hàng trăm năm qua nó trở thành bộ khung vững vàng. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai.
Tiếp đó là đến công đoạn làm xung quanh vành khung cọn, người thợ đặt các cánh quạt đan từ phên tre để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay. Còn những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay, đồng thời, gắn các gầu múc nước bằng ống tre. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục để gầu múc nước, đến tầm cao nhất định thì các gầu bắt đầu dốc nước vào các ống dẫn đưa nước tưới cho những thửa ruộng bạc thang quanh đó. Người dân địa phương đang hoàn thành công đoạn cuối cùng của một chiếc cọn nước mới.
Cọn nước không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, nhưng giá trị của nó thì không hề thua kém. Cọn nước chính là những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng, chậm rãi quay hết đêm này sang ngày, như một “động cơ vĩnh cửu”. Ngoài phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngày nay, những chiếc cọn nước này đã trở thành nét đặc trưng riêng của du lịch bản Nà Khương nói riêng và của xã Bản Bo nói chung. Cứ đến mùa khô hàng năm, khi những chiếc cọn nước bắt đầu quay cũng là thời điểm hàng nghìn du khách thập phương đổ về đây để thăm quan và trải nghiệm. Trao đổi với chúng tôi về việc khai thác du lịch của xã Bản Bo, ông Nguyễn Sỹ Tiện – Phó Chủ tịch UBDND xã Bản Bo nói: “Tại bản Nà Khương của xã Bản Bo có một đặc thù là vào mùa khô người dân nơi đây bắt đầu dựng lên những chiếc guồng nước để lấy nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thường làm sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, để phục vụ cho mục đích du lịch thì UBND xã Bản Bo đã đôn đốc, chỉ đạo bà con Nhân dân dựng những chiếc cọn nước trước và sau khi mùa mưa kết thúc. Ngoài ra, xã cũng hướng dẫn bà con phát triển các dịch vụ du lịch như văn hóa, văn nghệ, khu dừng chân, ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Lào tại đây để sớm đón du khách đến thăm quan và trải nghiệm”.
Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, chiếc cọn nước đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo, là chứng nhân cho một nền văn minh lúa nước, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc. Gắn với đời sống nhiều thế hệ, chứa đựng biết bao tâm huyết và trí tuệ của đồng bào dân tộc, nên bảo tồn những vòng quay của cọn nước cũng là gìn giữ một lối sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên của đồng bảo dân tộc thái nơi đây. Cầm Thanh