Huyện Tam Đường được biết đến với những ngọn núi cao Putaleng 3.049m; Tả Liên Sơn 2.996; Ngũ Chỉ Sơn cao 2.752. Đây đều là những ngọn núi cao thuộc Top nhất nhì Việt Nam với cảnh vật thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, đặc biệt có rừng hoa Đỗ Quyên đẹp nao lòng vào mùa tháng 3,4 hàng năm. Chính vì vậy hàng năm thu hút lượng khách leo núi rất lớn đổ về huyện Tam Đường. Ý Thức được thế mạnh của địa phương huyện Tam Đường phát triển loại hình du lịch này cùng với đó gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái rừng.
Là người dẫn đường cho các hoạt động leo núi từ năm 2018 đến nay anh Phàn A Hoan xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường luôn ý thức được rằng việc leo núi gắn với việc tôn trọng những giá trị của rừng mà thiên nhiên ban tặng luôn được anh tuyên truyền cho du khách leo núi trong mỗi chuyến đi của mình, đó là cần thực hiện bảo vệ môi trường, không sử dụng lửa bừa bãi, không chặt phá rừng.... Anh Phàn A Hoan, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nói: Công việc của chúng tôi là hướng dẫn các du khách leo núi, trong mỗi đợt như vậy bản thân tôi luôn có ý thức trong công tác bảo vệ rừng, không vứt rác bừa bãi khi vào rừng, không chặt phá cây rừng; mỗi khi dùng lửa trong rừng phải đam bảo an toàn tuyệt đối và điều này đã được chúng tôi tuyên truyền đến với du khách leo núi.
Du khách leo núi luôn có ý thức bảo vệ rừng
Mùa leo núi thường diễn ra từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Thời gian này, vào những ngày cuối tuần xã Tả Lèng luôn đón vài trăm lượt khách từ mọi miền tổ quốc về đây leo núi Tả Liên Sơn và núi Pu Ta Leng để khám phá thiên nhiên hùng vĩ, ngắm hoa Đỗ Quyên nở và để vượt qua bản thân chinh phục núi cao. Trước mỗi chuyến đi chính quyền địa phương xã Tả Lèng luôn nắm chắc danh sách khách đến địa phương. Đồng thời, quán triệt cho những người dẫn đường cũng như du khách leo núi cần có nhiệm vụ bảo vệ môi trường rừng xung quanh; cam kết với UBND xã trong việc không xâm phạm đến môi trường rừng tự nhiên, có ý thức gìn giữ chung bảo vệ rừng. Ông Thùng Văn Khiếm – Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: Du lịch leo núi đang phát triển thu hút đông đảo du khách tham gia, từ đó cũng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Để du lịch leo núi gắn với bảo vệ môi trường rừng. Địa phương luôn nắm chắc danh sách du khách đến trải nghiệm leo núi, đồng thời quán triệt người dẫn đường và du khách trong mỗi chuyến đi thực hiện tốt các quy định về BVR- PCCCR và bảo vệ môi trường
Hiện nay diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện Tam Đường là trên 34.400 ha, trong đó rừng tự nhiên 32.275 ha. Nhiều cánh rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi với thảm thực vật phong phú. Là đơn vị chủ rừng, quản lý rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng trên những ngọn núi cao tại huyện Tam Đường; Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường cũng rất tích cực trong công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện trông công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát với mục tiêu chung phát triển du lịch, đặc biệt làdu lịch leo núi gắn với bảo vệ rừng.Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng Ban quản lý rừng Phòng hộ huyện Tam Đường cho biết: Đối với cơ quan chuyên môn chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND các xã nơi có những ngọn núi cao tuyên truyền cho nhân dân, du khách tham gia bảo vệ rừng. Lựa chọn các điểm dễ thấy để đặt các biển cảnh báo, các khẩu hiệu về bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chắc năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng
Các khẩu hiệu BVR được dùng chụp ảnh cùng du khách
Du lịch sinh thái leo núi cùng các hoạt động trải nghiệm trong rừng đang là loại hình du lịch hấp dẫn khách du lịch đến với Tam Đường Lai Châu mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Rừng núi làm thỏa mãn nhu cầu leo núi, khám phá của du khách, đưa họ hòa mình vào thiên nhiên thì cũng cần chính họ cùng chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên từ những hoạt động nhỏ nhất và điều này đã được huyện Tam Đường làm rất tốt trong việc phát triển du lịch của địa phương.
Trọng Hoản