Đại hội Đảng lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tam Đường đã xác định bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tiến tới đưa du lịch trở thành một trong những thế mạnh của huyện.
Là bản nằm ở độ cao trên 1.400m so với mặt nước biển, nơi đây có thời tiết mát mẻ, cảnh quan vô cùng tươi đẹp, những nét văn hoá, phong tục tập quán, ẩm thực độc đáo của người dân tộc Dao đầu bằng. Được sự quan tâm của huyện Sì Thâu Chải đã và đang trở thành điểm du lịch cộng đồng của huyện, hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm thú. Đặc biệt, bản còn là điểm du lịch hấp dẫn bởi hàng năm đều được huyện tổ chức giải Dù lượn Quốc tế. Vì vậy, để xây dựng Sì Thâu Chải ngày càng thu hút đông đảo du khách cấp uỷ, chính quyền xã đã và đang tuyên truyền người dân gìn giữ bản sắc văn hoá, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Chia sẻ với chúng tôi bà Tẩn Thị Nhẫn - PCT UBND xã Hồ Thầu nói: Trên cơ sở nếp nhà của người dân, chúng tôi vận động nhân dân chỉnh trang lại những nhà gỗ, nhà trình tường để gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Thứ 2 nữa, chúng tôi vận động các lớp học nghề truyền thống như là đan mũ đuôi ngựa của người Dao - một trong những nghề rất có giá trị, mũ đó bán sang Trung Quốc thu mua. Một số ngành nghề khác như nghè mây tre đan chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để bà con tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống dân tộc Dao.
Ngoài cảnh quan tươi đẹp, Sì Thâu Chải còn là địa điểm diễn ra giải dù lượn Quốc tế Putaleng.
Là huyện cửa ngõ của tỉnh, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc, đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế cho Tam Đường phát triển du lịch, nhất là các bản du lịch cộng đồng như: bản du lịch cộng đồng người Lự tại Bản Thẳm - xã Bản Hon; du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Bản Lao Chải 1 - xã Khun Há; dân tộc Thái với Cọn nước tại bản Nà Khương - xã Bản Bo; dân tộc Dao tại Bản Sì Thâu Chải - xã Hồ Thầu. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Tam Đường đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết, Đề án của tỉnh và của Nhà nước. Ông Đỗ Trọng Thi - Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện cho biết: Chúng tôi đã hỗ trợ cho các điểm du lịch như điểm du lịch Lao Chải 1, điểm du lịch Bản Thẳm, điểm du lịch Sì Thâu Chải; hỗ trợ cho các hộ gia đình xây dựng homestay kinh phí để sửa sang cải tạo lại nhà; thứ hai nữa là hỗ trợ kinh phí cho bản để làm cái biển chỉ dẫn về du lịch. Thứ Ba là hỗ trợ để mời các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia về du lịch khảo sát, hướng dẫn các bản du lịch phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra cũng đã tổ chức cho nhân dân của các bản đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương mà có khu du lịch cộng đồng phát triển để về triển khai thực hiện.
Đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại bản Sì Thâu Chải.
Theo Nghị quyết 59, các địa phương và hộ dân được hỗ trợ kinh phí để khôi phục lễ hội, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội, tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống… Thông qua nguồn hỗ trợ, Tam Đường đã tập chung hỗ trợ xây dựng và đưa vào hoạt động mới 15 homestay nâng số homestay của huyện lên 40; duy trì, phát triển 4 nghề thủ công truyền thống: rèn, dệt, mây tre đan, làm mũ lông đuôi ngựa tại các bản du lịch; khôi phục, bảo tồn, phát triển được 7 lễ hội truyền thống tại các xã, thị trấn. Từ các chính sách hỗ trợ đó, các bản, các hộ dân tham gia làm du lịch đều phấn khởi, đoàn kết, cùng nhau bảo tồn văn hoá dân tộc và làm du lịch. Anh Phàn A Pao - bản Sì Thầu Chải chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ làm ngói, một số giống cây để trồng phát triển du lịch. Bây giờ khách càng ngày càng đông, không đủ chỗ để chứa khách, tôi lại làm thêm rộng rãi nữa. Từ làm du lịch homestay, tôi cảm thấy thu nhập rất là cao so với trước chưa làm du lịch.
Đến với bản Thẳm, du khách còn được thưởng thức hương vị các món ăn độc đáo của dân tộc Lự.
Song song với đó huyện cũng hỗ trợ bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản để duy trì, bảo tồn lời ca, điệu múa, tiếng khèn.... góp phần gìn giữ, phát huy tạo điểm nhấn để du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc văn hóa phát triển. Ông Phạm Văn Định - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình nói: Trong thời gian vừa qua, nhờ có các chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ quần chúng được phát huy tối đa khả năng của mình, Từ kinh phí đó, các đội văn nghệ hoạt động tập trung, có mục tiêu hơn; 1 số nét văn hoá, điệu khèn mông và điệu múa mông được khôi phục lại.
Các cô gái Lự biểu diễn tiết mục múa cho khách du lịch.
Thông qua việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự tích cực của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đến nay, Tam Đường đã phát triển được một số điểm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, người dân ở các điểm du lịch cộng đồng này cũng đã đầu tư các dịch vụ: ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí, đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Từ đó, lượng khách du lịch đến với huyện nhiều hơn. Hơn 2 năm qua, tổng lượt khách du lịch ước đạt 280.000 lượt; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 100 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội, đồng thời gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc.
Hoàng Cường