Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn giảm mạnh

Thứ ba - 09/05/2017 05:18 929 0
Cùng chung cảnh ngộ với người chăn nuôi của cả nước, nhiều hộ chăn nuôi lợn tại huyện Tam Đường đang lo lắng bởi giá lợn giảm mạnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc càng nuôi thì càng thua lỗ, dẫn đến nhiều hộ dân khó duy trì phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Đến thăm trang trại chăn nuôi của anh Hoàng Đình Tiến ở khu trang trại chăn nuôi tập chung bản Tân Bình - xã Bình Lư, tâm sự với chúng tôi anh Tiến cho biết hiện gia đình anh có hơn 100 đầu lợn lớn nhỏ, trong đó có 10 con lợn nái, hơn chục con lợn sữa và 80 con lợn thịt, trong đó gần 20 con lợn thịt siêu nạc đang chuẩn bị đến thời gian xuất bán, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 70 - 80 kg nhưng vẫn chưa có ai đến hỏi mua. Nguyên nhân giá lợn giảm do thị trường tiêu thụ đang bị chững lại, giá lợn hơi hiện chỉ còn từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Trong khi đó ở các tỉnh miền xuôi, giá lợn chỉ còn ở mức 20 đến 22.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
          Mặc dù lợn rớt giá mạnh, nhưng theo anh Tiến cho biết: Với số lượng đàn lợn của gia đình anh hiện nay mỗi ngày cũng mất trên 1 triệu đồng tiền cám, còn đối với lợn đến kỳ xuất bán nếu giá được 30.000 kg khi bán đi mỗi con sẽ lỗ từ 1 đến 1,5 triệu đồng, cả đàn mất đi khoảng vài chục triệu nhưng cũng đành phải chấp nhận. Vì nếu tiếp tục nuôi thì không có tiền để đầu tư mua thức ăn.
          Còn đối với chị Đặng thị Nhâm ở bản Nà Đa - Thị trấn Tam Đường cũng rất lo lắng bởi giá lợn xuống thấp. Được biết chị Minh đầu tư chăn nuôi lợn nái và lợn thịt với tổng đàn 70 con, chị cho biết: Với người dân ngoài sản xuất nông nghiệp ra thì đầu tư chăn nuôi là một hình thức phát triển kinh tế gia đình, mặc dù giá lợn có xuống thấp có đầu tư cho chăn nuôi thời điểm này biết là lỗ nhưng không biết làm gì hơn. So với mô hình chăn nuôi của các hộ khác thì gia đình chị cũng cắt giảm được rất nhiều chi phí bởi không phải đầu tư vào con giống và gia đình chị không nuôi theo phương thức công nghiệp nên mặc dù có lỗ nhưng cũng không lỗ lớn, vì thế mà chị vẫn sẽ duy trì đàn để chờ giá lên.
          Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang lo lắng vì giá lợn xụt giảm nghiêm trọng trong thời gian qua, nhiều hộ đứng ngồi không yên nếu giá lợn tiếp tục giảm thì nguy cơ phá sản là rất lớn. Đặc biệt rất nhiều hộ tỏ ra chán nản không muốn tiếp tục nuôi nữa, bởi càng nuôi thì càng lỗ mà người dân chỉ biết trông chờ vào sản xuất và chăn nuôi để phát triển kinh tế.  



Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh không bán được nhưng anh Tiến ở bản Tân Bình - xã Bình Lư vẫn phải chăm sóc đàn lợn của gia đình.
 
          Theo Trạm chăn nuôi và thú y huyện cho biết, toàn huyện Tam Đường hiện có tổng đàn lợn gần 40.700 con, trong đó có khá nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn ở các xã Thèn Sin, Bản Bo, Bình Lư và Thị Trấn. Do nhu cầu tiêu thụ lợn khá mạnh nên mấy năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi lợn trên địa bàn khá phát triển. Chăn nuôi đã giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, do giá lợn hiện đang xuống thấp, thiết nghĩ người chăn nuôi không nên phát triển chăn nuôi ồ ạt, tránh tình trạng khi lợn mất giá sẽ gây thiệt hại lớn cho chính mình. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện cũng khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi: Trong thời điểm hiện nay khi giá lợn hơi đang xuống thấp các hộ dân nên tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tích cực vệ sinh môi trường, không nên mở rộng quy mô, đồng thời hạn chế thức ăn công nghiệp mà tăng cường các loại thức ăn giàu tinh bột và chất sơ cho đàn lợn, thường xuyên cập nhật thông tin về giá cả để hạn chế đến mức tối đa việc thua lỗ trong chăn nuôi.



Người chăn nuôi bất lực khi lợn không bán được mà vẫn phải chăm sóc
 
          Nhằm giảm thiểu áp lực cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn, các cơ quan chuyên môn và các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn theo hướng phát triển ổn định. Việc mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng số lượng đàn phải căn cứ vào tín hiệu tích cực của thị trường. Bên cạnh đó, các hộ nên chuyển đổi cơ cấu giống và phát triển các giống lợn cao sản hoặc giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro. Trong thời điểm hiện tại, người chăn nuôi không nên quá chú trọng phát triển theo hướng công nghiệp mà nên chú ý đến mô hình chăn nuôi bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống. Các cơ sở, hộ chăn nuôi nên thực hiện theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu thụ sản phẩm, có sự đầu tư, kết nối với thị trường nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tác giả: Hoàng Cường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down