Cắt giảm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, người nông dân gặp khó

Thứ sáu - 09/06/2017 05:18 821 0
Vụ mùa năm nay, người nông dân Tam Đường nói riêng và nông dân trong toàn tỉnh nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, bởi thời tiết mưa nắng thất thường, đặc biệt hơn là bà con nông dân không còn được hưởng nhiều sự hỗ trợ của nhà nước, vì theo quyết định số 29/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh ra ngày 30/8/2016 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 đã cắt, giảm phần lớn sự hỗ trợ đối với người sản xuất nông nghiệp.
Là tỉnh mới chia tách được hơn 10 năm nay Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp vì địa hình đồi núi phức tạp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác lạc hậu dẫn đến sản xuất kém hiệu quả. Do đó, Tỉnh đã ban hành nhiều quyết định để hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất tập chung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực. Thông qua các quyết định này, người nông dân bớt được phần nào chi phí trong sản xuất và giúp bà con tăng thêm thu nhập. Vì thế mà ngành nông nghiệp của tỉnh trong hơn chục năm qua đã khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai và có những bước phát triển đáng kể đảm bảo an ninh lương thực, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ngày 30/8/2016 UBND Tỉnh đã ra quyết định 29 trong đó cắt, giảm việc hỗ trợ đối với một số giống cây trồng khiến người nông dân sản xuất đã khó khăn nay càng gặp khó.
          Đặc biệt là việc cắt toàn bộ sự hỗ trợ đối với giống lúa lai, trước đây theo quyết định số 29 được ban hành ngày 29/10/2013 Tỉnh hỗ trợ 100% diện tích và tùy theo từng vùng cụ thể, thấp nhất là 40% và cao nhất là 80% giá giống; còn đối với giống lúa thuần cũng được hỗ trợ 100% về giá giống và 50% diện tích. Thì đến nay, cũng theo quyết định số 29 ban hành ngày 30/8/2016 chỉ còn giống lúa thuần được hỗ trợ 50% giá giống và 30% diện tích gieo trồng, còn giống lúa lai đã bị cắt toàn bộ sự hỗ trợ này.
          Theo tìm hiểu của phóng viên ỏ 1 số địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường nhất là các xã vùng cao, người dân khá hụt hẫng và gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất lúa vụ mùa. Bởi theo người nông dân nơi đây đã quen với việc gieo trồng các giống lúa lai đây là các giống có năng xuất cao, ít bị sâu bệnh. Trao đổi với chúng tôi anh Chảo A Sử ở bản Nậm Dê xã Sơn Bình cho rằng: Bà con nhân dân xã chúng tôi chủ yếu gieo cấy lúa lai do khí hậu trên này không phù hợp với giống lúa thuần, nhưng vụ mùa năm nay lại không được nhà nước hỗ trợ giống lúa lai nữa nên nhiều hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo không đủ tiền mua giống bởi giá giống cao, nhiều hộ phải đi xin mạ về cấy. Chúng tôi chỉ mong muốn nhà nước xem xét tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ giống lúa lai cho bà con nhân dân yên tâm sản xuất.



Mặc dù vụ mùa 2017 gặp nhiều khó khăn khi không được hỗ trợ giống lúa lai nhưng bà con nhân dân xã Hồ Thầu vẫn phải gieo cấy.
 
          Còn theo chị Phàn Thị Nhuật ở bản Đội 4 xã Hồ Thầu cho biết: Hàng năm gia đình chị gieo cấy hơn 1ha lúa chủ yếu là các giống lúa lai như Nghi Hương, LC270... những năm trước khi còn được hỗ trợ của nhà nước chị chỉ phải bỏ thêm một khoản chi phí khoảng trên 2 triệu tiền giống mới đủ để gieo cấy hết diện tích đất của gia đình. Nhưng đến năm nay, khi không còn nhận được hỗ trợ của Nhà nước nữa chị phải mua toàn bộ giống mất gần 4 triệu, cuộc sống đã khó khăn giờ lại chồng chất thêm khó khăn bởi theo chị không trồng lúa chẳng lẽ lại để đất trống. Chị Nhuật nói: Gia đình mình khó khăn chỉ trông chờ chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nếu không gieo cấy biết lấy gì để ăn, trước đây mất ít tiền giống nhưng bây giờ phải bỏ ra gần 4 triệu tiền giống, chưa kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nếu nhà nước không hỗ trợ giống lúa lai nữa thì biết bao giờ mình mới khá lên được.
Không riêng chị Nhuật mà các gia đình ở xã Khun Há cũng khó khăn không kém, bởi người dân ở đây ngoài thu nhập từ thảo quả và chăn nuôi nhỏ lẻ thì không còn khoản thu nào khác. Trong khi đó cuối năm 2016 rét đậm, rét hại khiến toàn bộ diện tích Thảo quả bị chết dẫn đến người dân không còn thêm khoản thu nhập nào khác. Được biết đa phần bà con nhân dân ở đây chủ yếu gieo cấy các giống lúa lai, vậy mà vụ mùa năm nay lại không được Nhà nước hỗ trợ nữa nên bà con nhân dân đều phải tự mua giống để gieo trồng, nhiều hộ phải đi vay mượn để mua giống về cấy. Khi được hỏi tại sao bà con không cấy giống lúa thuần thì đa phần người dân đều cho rằng: Nếu cấy lúa thuần thì năng xuất thấp không đủ ăn nên bà con không mặn mà với giống lúa này. Anh Cứ A Dơ ở bản Ngài Thầu Cao - xã Khun Há nói: Mình gieo cấy khoảng 6.000m2 chủ yếu là giống lúa lai, mỗi năm cũng mất từ 18 đến 20 kg thóc giống chi phí khoảng 2,5 triệu tiền giống, mấy năm trước khi nhà nước hỗ trợ còn đỡ chứ bây giờ nhà mình phải tự mua giống nên gặp rất rất nhiều khó khăn bởi vì nhà đông người nên mình chỉ gieo cấy giống lúa lai này mới đảm bảo đủ thóc để ăn, chứ nếu nhà nước có cho không giống lúa thuần mình cũng không thích và không lấy, mình chỉ mong muốn nhà nước xem xét tiếp tục hỗ trợ thêm giống lúa lai cho bà con nhân dân mình.



Bà con nhân dân bản Ngài Thầu Cao đang gieo cấy lúa mùa. 
 
Trước khi gieo cấy vụ mùa, chính quyền các địa phương đều tổ chức họp dân và tuyên truyền chính sách mới này đến với người dân, nhưng đa phần bà con đều có ý kiến đề nghị Nhà nước xem xét tiếp tục hỗ trợ giống lúa lai bởi cuộc sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng cao. Trao đổi với chúng tôi ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: Khun Há là xã vùng cao, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu là gieo cấy các giống lúa lai nên sau khi tỉnh ra quyết định không hỗ trợ giống lúa lai nữa, chúng tôi đã triển khai họp bản để tuyên truyền đến người dân, nhưng bà con nhân dân đều có nguyện vọng gieo trồng giống lúa lai vì năng xuất lúa cao cho nên không được hỗ trợ giống lúa lai nữa chúng tôi thấy đây là khó khăn cho xã cũng như bà con nhân dân. Trước tình hình đó, chúng tôi cũng mong muốn các cấp xem xét có sự điều chỉnh hợp lý việc hỗ trợ các giống lúa cho từng vùng, từng khu vực để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Vẫn biết giống lúa thuần có nhiều ưu điểm như: Chất lượng gạo cũng như giá cao... tuy nhiên theo bà con nông dân cho biết giống lúa này lại thường hay bị sâu bệnh nhiều, tốn công chăm sóc hơn, năng xuất lại thấp. Trong khi đó, trình độ canh tác của nông dân vẫn còn hạn chế, người dân ở các xã vùng cao khó khăn vẫn cần nhất là năng xuất lúa phải đạt cao, ít sâu bệnh, chứ chưa cần đến chất lượng gạo ngon. Do đó, việc người nông dân hiện nay vẫn chủ yếu gieo cấy giống lúa lai cũng là điều dễ hiểu.
Được biết vụ mùa năm nay Tam Đường gieo cấy 4.287 ha. Tuy nhiên theo Phòng NN&PTNT huyện cho biết: 13/14 xã, thị trấn có đăng ký giống thì đều đã trả lại, bởi người dân không mấy mặn mà với giống lúa thuần. Đến nay, huyện mới chỉ cấp hỗ trợ cho nhân dân được 25 tấn thóc giống lúa thuần, tương đương với 366 ha chiếm chưa đến 10% tổng diện tích gieo cấy của toàn huyện, như vậy lượng giống cấp hỗ trợ cho người dân chỉ đạt được gần 1/3 so với định mức Tỉnh hỗ trợ. Điều này cho thấy, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng người dân, nhất là bà con nhân dân ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn nhất quyết gieo cấy giống lúa lai, nên chăng các cấp cần xem xét, điều chỉnh lại việc hỗ trợ để bà con nông dân yên tâm sản xuất, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nông dân trong thời điểm hiện nay.

Tác giả: Hoàng Cường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down