Theo chân Chủ tịch Hội nông dân xã Bản Giang, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm Sò của anh Lù văn Độ, khi cả 2 vợ chồng anh cùng 3 người làm công đang tất bật đóng những bịch giá thể để chuẩn bị cho vụ trồng nấm mới. Trong câu chuyên với anh, chúng tôi được biết: trước đây, gia đình anh cũng thuộc diện hộ nghèo của bản, bởi thu nhập chỉ trông vào làm thuê và mấy sào ruộng. Rồi cơ duyên đưa anh đến với nghề trồng nấm cũng thật tình cờ, khi trong một lần đi chơi và được thăm mô hình trồng nấm của nhà bạn ở Sơn La, Điện Biên. Anh nhận thấy nghề trồng nấm chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt nguyên liệu đơn giản như mùn cưa, rơm, rạ…đều sẵn có ở quê nhà. Anh đã mang mô hình trồng nấm về địa phương làm thử với ước muốn thoát nghèo ngay chính tại quê hương.
Anh Độ kiểm tra sự phát triển sinh trưởng của câu nấm tại xưởng trồng nấm của gia đình
Năm 2015, anh Độ bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, anh em, họ hàng, anh bắt đầu với công việc lạ lẫm này. Anh đặt mua giống nấm sò từ Điện Biên, tự tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm qua sách báo, internet và qua những người bạn của anh. Những vụ nấm đầu tiên, do ít kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều bịch bị hỏng, phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp.
Không nản chí, anh kiên trì với mô hình nấm của mình, tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi cách loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm. Đồng thời, qua mỗi vụ nấm, anh lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào trồng, những cây nấm của anh đã sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng ngày càng tăng. Hiện giờ, cơ sở trồng nấm sò của gia anh đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp tới các gian hàng ở chợ thành phố Lai Châu và các nhà hàng, quán ăn ở huyện Tam Đường.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, anh Độ cho biết: “Việc trồng nấm phải cẩn trọng ở tất cả các khâu, như: Khâu xử lý rơm rạ phải chú ý làm ướt trong nước sạch, sau đó xử lý nước vôi. Khâu đóng bịch và chọn giống cũng phải thực hiện tỷ mỷ. Khâu chăm sóc cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật. Hàng ngày phải tưới nước đều, đảm bảo ánh sáng phù hợp, môi trường sạch sẽ và độ ẩm để nấm phát triển nhanh…”.
Phát triển mô hình trồng nấm đến nay đã 4 năm, hiện tại, anh có 2 nhà xưởng trồng nấm với tổng số hơn 3.000 bịch giá thể. Sản phẩm nấm sò bán ra thị trường có giá trung bình từ 50.000-60.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, mô hình trồng nấm đem về thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm.
Nhận xét về hướng phát triển kinh tế của gia đình anh Lù Văn Độ, anh Vàng Văn Lính – Chủ tịch hội nông dân xã Bản Giang nói: Bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Độ đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá giả nhờ nghề trồng nấm. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế mới, đem lại hiệu quả để bà con trong bản trong xã học tập và làm theo.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền