Xuất hiện loài sâu lạ hại ngô

Thứ ba - 23/04/2019 05:02 1.006 0
Hơn 1 tháng nay, nhiều cánh đồng ngô ở Tam Đường trở nên xơ xác trước sự xuất hiện của loài sâu lạ đang gây hại ở các diện tích ngô Đông xuân và Xuân hè. Mặc dù đã dùng mọi biện pháp phòng trừ như bắt sâu, phun thuốc phòng trừ nhưng chưa đem lại hiệu quả bởi đây là loại sâu hại lần đầu tiên xuất hiện ở địa phương.
Gia đình anh Vũ Xuân Hiểu ở bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư trồng được 5.000m ngô Xuân hè. Theo anh Hiểu cho biết, hơn nửa tháng nay, vườn ngô đang trong giai đoạn từ 3 - 5 lá thì xuất hiện loài sâu lạ cắn lá và nõn cây. Trước tình hình đó gia đình anh chủ động mua thuốc về phun, mặc dù đã phun thuốc nhưng vẫn không hiệu quả, do đó anh đã báo cáo với chính quyền xã để có biện pháp sử lý kịp thời. Chia sẻ với chúng tôi anh Vũ Xuân Hiểu nói: “Sau khi phát hiện sâu hại ngô gia đình tôi đã mua thuốc về phun phòng trừ nhưng sâu không chết, tôi rất lo lắng không biết là loại sâu gì mà phun lại không chết nên chúng tôi báo cáo với xã, cán bộ xã và huyện đã xuống kiểm tra tình hình thực tế tại ruộng ngô của gia đình và hướng dẫn gia đình một số biện pháp phòng trừ, ngăn chặn không để loại sâu hại nay lan ra diện rộng”.

Không chỉ riêng các diện tích ngô Xuân hè, mà ngay đến cả diện tích ngô Đông xuân đang trong giai đoạn trỗ cờ, phun râu và ra bắp cũng bị loài sâu này phá hoại. Theo chính quyền xã Bình Lư cho biết, đến nay toàn bộ diện tích ngô Đông xuân và Xuân hè 180 ha đều bị loài sâu này phá hoại, trong đó diện tích bị nhiễm nặng 48 ha ở vụ Xuân hè, còn lại 132 ha bị nhiễm nhẹ. Để tránh thiệt hại cho người nông dân chính quyền xã đã báo cáo với các cơ quan chuyên môn huyện xuống tiến hành kiểm tra và vận động người nông dân tích cực phun phòng trừ, nhiều diện tích bị nhiễm nặng bà con phải phòng trừ từ 3 - 5 lần. Ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Cách đây 3 tuần trên diện tích ngô ở 2 vụ Đông xuân và Xuân hè của xã đã xuất hiện loài sâu lạ cắn phá, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con phòng trừ, tuy nhiên đây là loại sâu mới nên một số loại thuốc Bảo vệ thực vật hiện nay cũng chưa đem lại hiệu quả cao, qua phòng trừ thì tỷ lệ sâu bệnh chết mới chỉ đạt được từ 70 - 80%. Do đó, chúng tôi cũng vận động người dân tích cực phun phòng trừ, nhiều diện tích bị nặng phải phun từ 3 đến 5 lần và phun trực tiếp vào từng nõn cây ngô để tiêu diệt loại sâu này”.

 
IMG 2186
Lãnh đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh và các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra tình hình sâu bệnh hại tại xa Bình Lư
 
Theo số liệu thống kê của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết: Vụ ngô Đông xuân và Xuân hè toàn huyện gieo trồng 3.081 ha, tính đến nay toàn huyện đã có 362,3 ha ngô Đông xuân và Xuân hè ở 10 xã bị sâu bệnh hại tập chung ở các xã có diện tích ngô lớn như: Bình Lư; Thị trấn; Bản Hon; Nà Tăm trong đó diện tích nhiễm nhẹ là 303,8ha, diện tích bị nhiễm nặng là 58,5 ha. Trước tình hình đó, các cơ quan chuyên môn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực phun phòng trừ. Trao đổi với chúng tôi ông Dương Hồng Phương - PGĐ TT dịch vụ NN huyện cho biết: “ Loại sâu mới hại trên diện tích ngô Đông xuân bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 3, cao điểm vào giữa tháng 3, còn đối với diện tích ngô Xuân hè thì từ đầu tháng 4 đến nay, sau khi kiểm tra những diện tích bị hại chúng tôi nhận thấy loại sâu này chủ yếu cắn nõn và lá nên chúng tôi khuyến cáo người nông dân cần tập chung dùng mọi biện pháp phòng trừ, kể cả phải bắt bằng tay và tích cực phun phòng trừ, phun đi phun lại nhiều lần thì mới có thể tiêu diệt được, đến nay cơ bản các diện tích ngô bị sâu hại đều đã được phòng trừ, khống chế không để lan ra diện rộng”. 

Tuy nhiên, do đây là loài sâu mới xuất hiện gây hại và phát tán rất nhanh nên vẫn chưa có quy trình phòng trừ cụ thể, do đó các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên, đồng thời khuyến cáo người dân một số biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gây hại của loại sâu này. Bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện loại sâu Keo mùa thu, đây là loại dịch hại mới xuất hiện tại Việt Nam cũng như tỉnh Lai Châu, đây là đối tượng dịch hại mới đã được Bộ nông nghiệp cảnh báo, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng, trước diễn biến đó Chi cục đã tham mưu cho Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, phối hợp với các huyện điều tra, giám sát, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã phát hiện sâu Keo mùa thu, diện tích nhiễm đến thời điểm này vào khoảng 500 ha tập chung ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Thành Phố, một số huyện như Mường Tè, Nậm Nhùn cũng đã bắt đầu phát sinh. Đây là đối tượng dịch hại mới nên trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật thì chúng tôi đã tham mưu cho Sở nông nghiệp và phối hợp với các huyện hướng dẫn bà con phòng trừ, trước mắt tập chung vào các diện tích ngô đang phát triển trong giai đoạn từ 3 - 5 lá, đến giai đoạn ngô soáy nõn vì đây là giai đoạn ngô bị hại cao, tích cực phòng trừ bằng các loại thuốc Bảo vệ thực vật nội hấp, lưu dẫn. Trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức quy trình phòng trừ cụ thể của cấp trên chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và có những tham mưu chỉ đạo trong thời gian tiếp theo. 

Để chủ động phát hiện, phòng trừ hiệu quả đối với sâu Keo mùa thu hại ngô. Các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện cũng đã khuyến cáo người dân tăng cường bám sát đồng ruộng, kiểm tra phát hiện sâu bệnh hại, đồng thời kịp thời triển khai phun trừ nhằm hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới năng xuất và sản lượng cây trồng. 

 

Tác giả: Hoàng Cường

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down