Bình Lư chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thứ tư - 10/03/2021 19:59 830 0
Hiện nay, trên cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn; bệnh cúm gia cầm do virut A/H5N1, A/H5N6; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xã Bình Lư đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh tái phát, lây lan trên địa bàn.
Bình Lư là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế, đến nay toàn xã có trên 2500 con gia súc, 17.796 con gia cầm. Để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả thiết thực, UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y tiếp nhận vắc-xin, vật tư tiêm phòng từ huyện về phân bổ cho các bản. Đồng thời, các bản tiến hành họp dân, tuyên truyền phổ biến kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; yêu cầu người dân nuôi nhốt gia súc tại nhà để tiêm phòng. Đặc biệt, xã huy động lực lượng cán bộ thú y xã, cán bộ bản tổ chức tiêm phòng tập trung, đảm bảo công tác tiêm phòng được tiến hành đồng loạt cùng một thời điểm. Năm 2020, xã tiến hành tiêm phòng định kỳ 2 lần, với tổng số 44.355 liều vắc-xin.
Cùng với công tác tiêm phòng, xã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao trên toàn huyện để tiêu diệt các loại mầm bệnh; áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. 

 
IMG 227
Người dân xã Bình Lư luôn chú trọng trong công phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Phưởng – Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: Năm 2020, trên địa bàn huyện Tam Đường xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại 6 xã, 15 bản, tổng số hộ chăn nuôi bị thiệt hại do Dịch tả lợn Châu Phi là 32 hộ, với số lượng 51 con, trọng lượng 2.503kg. Tuy nhiên, xã Bình Lư chỉ có duy nhất 1 hộ bị dịch tả lợn Châu Phi (tiêu hủy 1 con) tại bản Hưng Bình. Có được kết quả đó, là nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn; tăng cường theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng các loại hóa chất, vôi bột theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh. Chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định.
Là một trong số những hộ chăn nuôi lợn lớn trên địa bàn xã Bình Lư, gia đình ông Đào Mạnh Hùng ở bản Toòng Pẳn nuôi trung bình mỗi năm từ 20 – 30 con lợn thịt, trọng lượng 1,2 tạ trở lên thì xuất bán. Vừa qua, trên địa bàn xã Bình Lư cũng có một hộ bị thiệt hại bởi Dịch tả lợn Châu Phi, chính vì vậy gia đình ông rất chủ động phòng chống dịch bệnh với nhiều biện phạp, như: chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không chọn giống từ các vùng có dịch; tiến hành tiêm vắc-xin định kỳ, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình ông còn mua kháng sinh tổng hợp, men tiêu hóa về cho lợn ăn để đào thải độc tố, giúp cho lợn hấp thu tốt, lớn nhanh. Nhờ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đàn lợn của gia ông luôn mạnh khỏe, không bị dịch bệnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn, ông Hùng – bản Toòng Pẳn, xã Bình Lư nói: Muốn chăn nuôi có lãi thì việc đầu tiên làm là làm tốt công phòng chống dịch bệnh bài bản từ khâu chọn giống, vùng lựa chọn giống, tiêm phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại cho đến nguồn thức ăn cung cấp cho đàn lợn
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, số lượng đàn vật nuôi của xã Bình Lư ngày một phát triển, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Tin rằng, với sự chủ động cùng với những giải pháp hiệu quả sẽ kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi, góp phần hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh.
                                                                                                                   Trọng Hoản

Nguồn tin:    Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down