Sau hơn 8 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất, chất lượng thấp đặc biệt là giá trị kinh tế không cao. Đến nay, nông dân trên địa bàn xã Giang Ma đã có hơn 40ha cây Lê cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo bền vững.
Đến thăm vườn Lê của gia đình anh Giàng A Sang ở bản Bãi Bằng, xã Giang Ma, một trong những hộ dân trồng nhiều Lê nhất của xã với trên 180 gốc. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết 10 năm trước gia đình anh Sang là một trong những hộ nghèo của xã với nguồn thu nhập chủ yếu từ làm ruộng và trồng ngô. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 10 năm trước, còn giờ đây, gia đình anh lại là một trong những hộ khá của bản nhờ thu nhập chủ yếu từ trồng Lê. Nói về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đặc biệt là chuyển đổi từ các loại cây kém hiệu quả sang trồng Lê, anh Giàng A Sang cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng Lê cũng đã được gần chục năm nay rồi, trên diện tích trồng Lê này trước đây chỉ biết trông cây ngô, cây sắn không phù hợp, sản lượng với hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi nghe đến cây Lê, tôi đã quyết định bỏ cây ngô, cây sắn sang trồng thử cây Lê, kết quả như đã thấy, đến mùa Lê cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 20 đến 30 kg Lê với giá giao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg, hàng năm vườn Lê này đem lại một nguồn thu khá ổn định góp phần tích cự vào phát triển kinh tế chung của gia đình”. Những trái Lê đầu mùa tại vườn của gia đình anh Giàng A Sang ở bản Bãi Bằng, xã Giang Ma, huyện Tam Đường đang bước vào vụ thu hoạch.
Không chỉ gia đình anh Giàng A Sang, trên địa bàn xã Giang Ma hiện có trên 150 hộ dân tham gia trồng cây Lê với diện tích trên 40ha, sau gần 10 năm gắn bó và hi vọng từ loại cây trồng mới này, thì giờ đây người nông dân Giang Ma đã có những mùa quả ngọt cho thu hái với mức thu nhập trung bình đạt từ 40 đến 50 triệu đồng một ha/năm. Đánh giá về hiệu quả , cũng như những triển vọng từ cây Lê mang lại cho người nông dân, Ông Giàng A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma, cho biết: Đối với xã Giang Ma, cây Lê đang cho thấy là loại cây ăn quả có lợi thế, sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu cũng như điều kiện thổ nhưỡng tại đây và quan trọng là đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo. Hiện xã chúng tôi có khoảng 18 ha diện tích Lê đang bước vào mùa thu hoạch, để người nông dân có được một mùa vụ thắng lợi, chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên quả Lê và từng bước xây dựng, quảng bá hình ảnh phẩm của quả Lê Giang Ma đến người tiêu dùng không chỉ ở thị trường trong huyện, trong tỉnh, mà quả Lê Giang Ma đã có mặt trên thị trường của một số tỉnh trong cả nước”.
Có thể nói, cây Lê đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới chất lượng cao góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nông dân ở xã vùng cao Giang Ma. Cầm Thanh