Vụ dong riềng năm nay, toàn huyện trồng 123,9 ha. Hiện nay đa số diện tích sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên do thời tiết nắng mưa xen kẽ xuất hiện một số bệnh như: nấm, vi khuẩn…khiến cho nhiều diện tích bị héo, thối củ. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Năm 2021, huyện Tam Đường trồng mới 123,9 ha dong riềng, tăng 40ha so với năm 2020, chủ yếu là giống dong riềng đỏ, tập trung tại các xã Bình Lư, Sơn Bình, Hồ Thầu, Nà Tăm, Thèn Sin và Thị trấn Tam Đường. Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân luân phiên cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích để đất không bị bạc màu, đủ chất dinh dưỡng nuôi cây. Ngoài ra, cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân kĩ thuật trồng, lên luống đảm bảo, không để úng nước…nhờ đó, diện tích dong riềng trên địa bàn lên xanh tốt, hiện nay đang trong giai đoạn phát triển củ.
Tuy nhiên, thời điểm này một số diện tích cây dong riềng trên địa bàn các xã: Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường... đang phải đối mặt với bệnh nấm, vi khuẩn. Bệnh nấm gây hại tới bẹ của cây, biểu hiện bệnh là lá bị héo sau đó dẫn tới thối bẹ, nặng hơn là làm củ bị thối hàng loạt. Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân ban đầu dẫn đến bệnh nấm, vi khuẩn trên cây dong riềng là do mưa nhiều, độ ẩm cao.
Gia đình anh Lù A Ghiềng ở bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường, năm nay là năm đầu tiên gia đình anh thuê trồng 04 ha cây dong riềng. Sau một vài tháng trồng và chăm sóc, cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, gần đây nhiều diện tích dong riềng của gia đình anh nhiễm bệnh khiến cây bị thối và héo úa. Hiện nay, 3.000m2 dong riềng của gia đình anh đã bị bệnh và phải nhổ bỏ. Anh Ghiềng chia sẻ: Thấy mọi người trồng dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết định thuê đất để trồng, bao nhiêu công chăm sóc và phân bón, giống đã được đầu tư, nhưng hiện nay nhiều diện tích bị nhiễm bệnh phải nhổ bỏ. Tôi mong chính quyền và cơ quan chuyên môn có giải pháp để phòng trừ bệnh, không để lây lan ra diện rộng” Anh Lù A Ghiềng ở bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường nhổ bỏ diện tích dong riềng bị nhiễm bệnh.
Để nhanh chóng phòng trừ bệnh nấm trên cây dong riềng, sau khi nắm được thông tin từ các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành rà soát, điều tra, đánh giá về mức độ của bệnh, từ đó đưa ra những phương án xử lý, kịp thời phòng trừ dịch bệnh. Cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn cùng với cơ quan chuyên môn của huyện trực tiếp xuống hướng dẫn người dân cách cắt tỉa bẹ, sau khi cắt tỉa xong thu gom toàn bộ lá, bẹ bị bệnh ra khỏi nương, sau đó rắc vôi bột để khử trùng, không để mầm bệnh lây lan. Đồng thời, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân nên sử dụng một số thuốc để điều trị như: Tilsuper 300EC, Aliete 800WG, Ridomil gold 68WG.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Ngọc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết: “Qua rà soát hiện nay có 0,5ha dong riềng tại các xã: Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường bị mắc bệnh nấm, vi khuẩn. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này, để kịp thời chữa trị bệnh trên cây dong riềng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn Nhân dân cắt tỉa bẹ, xới gốc, làm cỏ, để cây được thông thoáng. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân mua những loại thuốc phòng trừ bệnh nấm, vi khuẩn tại các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật và phun phòng trừ đúng điều lượng”.
Với những biện pháp chữa trị tích cực, kịp thời, sẽ ngăn chặn được bệnh nấm phát triển trên cây dong riềng, không để lây lan ra diện rộng làm giảm năng xuất củ dong. Trọng Hoản