Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tam Đường

Thứ tư - 05/05/2021 20:48 837 0
Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại huyện Tam Đường đã phát huy hiệu quả rõ nét, người dân được hưởng lợi từ rừng có nguồn thêm thu nhập, từ đó Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của người dân với rừng.
Xã Bản Bo là xã vùng thấp của huyện Tam Đường, diện tích đất có rừng trên địa bàn xã là 3.366,86ha, trong đó rừng tự nhiên là 3.191,83ha, rừng trồng là 168,04ha, độ che phủ rừng toàn xã đạt 43,65%. Những năm qua, xã Bản Bo luôn làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Toàn xã thành lập 13 tổ chuyên trách, hàng tháng kiểm lâm địa bàn kết hợp với các thành viên trong ban chỉ đạo và các tổ chuyên trách tuần tra, kiểm tra rừng ở những khu vực dễ xảy ra cháy, đặc biệt xã tiến hành trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, năm 2020 xã Bản Bo được nhận hơn 4 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. 
Gia đình ông Giàng A Páo ở bản Cò Nọt Mông (xã Bản Bo) nhận khoán bảo vệ 82ha diện tích rừng, từ khi nhận khoán các thành viên trong gia đình đều nêu cao tinh thần bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, những năm trở lại đây gia đình ông và các hộ dân trong bản đã bỏ việc đốt nương làm rẫy, nhờ đó nhiều năm nay bản không xảy ra hiện tượng cháy rừng. Việc chi trả DVMTR kịp thời đã giúp cho người dân trong bản nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

 
IMG 48
Người dân xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Được nhận tiền DVMTR, ông Páo phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi nhận được 27 triệu đồng tiền chi trả DVMTR, đây là một số tiền rất lớn đối với gia đình tôi, từ số tiền này tôi sẽ dùng để mua phân bón, cây, con giống, đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn, chi trả kịp thời để giúp bà con Nhân dân phấn khởi, tạo động lực làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng”. 
Để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, huyện Tam Đường xác định công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phải đặt lên hàng đầu. Ngay từ đầu năm 2020, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát, bổ sung diện tích đủ điều kiện, giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện là 32.880,27ha/66.315,43ha đất tự nhiên. Trong đó, diện tích do BQL rừng phòng hộ quản lý là 18.160,35ha (tăng 530,51ha so với năm 2019), diện tích do UBND các xã, thị trấn quản lý là 14.719,92ha. Ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 66 cộng đồng bản, 54 nhóm hộ gia đình, cá nhân của 12/13 xã, thị trấn. 
BQL rừng phòng hộ phối hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật lâm nghiệp để người dân hiểu rõ lợi ích của rừng, ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ, phát triển rừng. Cùng với đó, làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên nắm bắt tình hình trong Nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc trong việc chi trả các chế độ thanh toán liên quan đến công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Công tác nghiệm thu, thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng quy định.
Căn cứ diện tích hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng BQL rừng phòng hộ huyện đã triển khai thực hiện nghiệm thu cuối năm được tổng số 18.143,56ha đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 với tổng số tiền chi trả là 25.180,6 triệu đồng. Việc thực hiện chi trả công khai minh bạch, đúng đối tượng và hoàn thành trước ngày 23/4
Trao đổi với chúng tôi, ông Mạch Thọ Quyết – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường cho biết: “Những năm qua, Chính sách chi trả DVMTR đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ thực hiện việc chi trả DVMTR kịp thời, đúng đối tượng đã giúp cho trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày một nâng cao, Nhân dân tích cực tham gia tuần tra, kiểm tra rừng, xây dựng và duy tu đường băng cản lửa....Hàng năm, các vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng đều giảm, Nhân dân có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo sức hút cho cộng đồng địa phương tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng”. 
                                                                                                             Trọng Hoản

Nguồn tin: Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down