Mặc dù là cây trồng mới, nhưng hiện nay cây chanh leo đã và đang được nhiều hộ nông dân ở các xã, thị trấn của huyện Tam Đường trồng. Với việc làm tốt công tác tuyên truyền cũng như liên doanh, liên kết và bao tiêu sản phẩm mà cây chanh leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Tam Đường.
Gia đình ông Lê Văn Vi là một trong 5 hộ gia đình tham gia trồng chanh leo theo mô hình liên kết đầu tiên của bản đội 4, xã Hồ Thầu, với 5000m2 trồng từ năm 2020. Sau 2 năm thu hái mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại mà đến nay ông đã mở rộng diện tích cây chanh leo nhà mình lên 1,1 ha và tích cực chăm sóc để có thu nhập cao hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Vi – đội 4 – xã Hồ Thầu chia sẻ: Hiện nhà tôi giờ có trồng 1,1 ha chanh leo đang cho thu hoạch, tôi thấy trồng chanh leo đem lại diệu quả kinh tế cao, hơn trồng lúa, ngô nhiều. Thời điểm này, gia đình đang tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, để cay chanh leo cho quả to, đẹp đạt chất lượng cao.
Người dân xã Hồ Thầu chăm sóc chanh leo
Xã Hồ Thầu là xã có diện tích cây chanh leo lớn nhất huyện Tam Đường với 80 ha, được trồng tập trung ở bản Đội 4 và bản Nhiều Sang. Từ khi cây chanh leo được đưa vào trồng đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập hàng chục triệu đồng, cây chanh leo có đầu ra ổn định khi Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã ký kết với các hộ dân bao tiêu sản phẩm do đó người dân yên tâm, không lo đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là một trong những hướng đi mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Bà Tẩn Thị Nhẫn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu nói: Cây chanh leo mới được người dân trong xã đưa vào trồng, nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ có thu nhập ổn định, đầu ra thì được Công ty bao tiêu hết sản phẩm nên người dân trong xã cũng rất yên tâm. Hiện tại chúng tôi quan quan tâm hướng dẫn người dân chăm sóc cũng như mở rộng diện tích phát triển cây trồng này.
Nhận thấy lợi ích từ chương trình liên doanh liên kết cây chanh leo, nhiều hộ gia đình tại các xã trên địa bàn huyện Tam Đường, đã hưởng ứng và tích cực mở rộng diện tích. Sau 4 năm có mặt trên đất Tam Đường đến nay cây chanh leo đã mở rộng và phát triển lên trên 200 ha và cây chanh leo đã khẳng định được vai trò của mình giúp người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của huyện cho thấy: Cây Chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Sau khi thu hoạch quả các công ty liên doanh, liên kết đều đảm bảo thu mua hết cho bà con từ tận ruộng. Với hiệu quả cây chanh leo mang lại huyện Tam Đường đang tiếp tục định hướng cho người dân quan tâm phát triển cây trồng này.
Người dân xã Hồ Thầu phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Lử Páo – chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Sau mấy năm trồng và phát triển cây chanh leo, thấy răng đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Tam Đường, cây sinh trưởng và phát triển tốt và mang lai thu nhập cao cho người nông dân. Hiện nay huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển cây chanh leo ở những xã có điều kiện. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với các Công ty nhằm hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân...
Hiện nay cây chanh leo đang hứa hẹn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người nông dân một cách bền vững thời gian tới. Với việc liên doanh, liên kết hiệu quả cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó giúp người dân có thu nhập và thay dổi tập quán canh tác mà huyện Tam Đường hướng tới.
Trọng Hoản