Vài năm trở lại đây, các hộ dân ở một số xã trên địa bàn huyện Tam Đường đã cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trồng hoa hồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Song, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định đang có tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại cánh đồng trồng hoa hồng tại bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu vào một buổi sáng sớm. Nhưng không còn bầu không khí trong lành vốn có trước đây của khu vực này, thay vào đó là mùi thuốc bảo vệ thực vật nồng nặc, đặc quánh. Trên những ruộng hoa, nhà nhà phun thuốc, khiến cả cánh đồng hoa như được bao phủ bởi một lớp sương mù hoá chất.
Ngôi nhà của gia đình anh Phàn A Ngan - bản Chù Lìn sinh sống nằm cách khu vực trồng hoa gần 50m, nhưng mỗi khi các chủ vườn phun thuốc cho hoa là cả gia đình anh lại bị tra tấn bởi mùi nồng nặc của các loại hóa chất. Không chỉ ô nhiễm không khí mà nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cũng luôn thường trực bởi những vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi quanh vườn sau khi sử dụng.
Anh Phàn A Ngan - Bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu nói: “Mỗi lần các chủ vườn hoa hồng phun thuốc mùi rất khó chịu, nhất là những ngày nắng nóng có gió thổi mạnh thì mùi hóa chất càng nồng nặc hơn. Cũng biết là rất độc hại nhưng cũng đành chịu vậy, chẳng biết làm sao bây giờ”.
Còn đối với gia đình ông Tẩn A Páo - bản Chủ Lìn có thửa ruộng cấy lúa ngay sát cánh đồng hoa cũng không khỏi lo lắng, bởi mỗi khi phun thuốc, một lượng không nhỏ theo chiều gió bay xuống cả thửa ruộng của gia đình mình. Ông Páo lo sợ những hạt thóc mình làm ra cũng sẽ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cao, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người trồng hoa hồng phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng hoa bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu.
Ông Tẩn A Páo - bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu chia sẻ: Cũng rất nhiều người thuê mảnh ruộng này với giá 50 triệu đồng/năm để trồng hoa, nhưng tôi sợ hóa chất tàn phá đất đai. Nhưng không cho thuê, mình gieo cấy ở gần thì cũng sợ hạt lúa bị nhiễm chất hóa học.
Hồ Thầu là xã phát triển mạnh cây hoa hồng trong 2 năm gần đây. Đến nay, toàn xã có tổng diện tích 18,9 ha trồng hoa hồng. Theo lãnh đạo chính quyền địa phương thì trong thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tự ý cho thuê đất để trồng cây hoa hồng không theo định hướng quy hoạch của xã.
Từ thực trang trê, huyện Tam Đường đã chỉ đạo xã Hồ Thầu siết chặt quản lý, kiểm soát nguy cơ, đánh giá tác động môi trường từ trồng cây hoa hồng, tổ chức ký cam kết giữa các hộ dân về bảo vệ môi trường và cam kết không mở rộng diện tích cây hoa hồng trên địa bàn.
Vài năm gần đây, người dân trên địa bàn các xã Giang Ma, Thèn Sin, Hồ Thầu... đã tự thỏa thuận cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để trồng hoa hồng. Đến nay, con số thống kê cho thấy toàn huyện có khoảng trên 63ha trồng hoa. Lợi ích kinh tế là có, tuy nhiên những tác động tiêu cực đến môi trường thì có lẽ chưa có một chỉ số đánh giá cụ thể từ cơ quan chức năng, mà môi trường ô nhiễm vẫn đang hiện hữu hàng ngày với mức độ ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Để có những cánh đồng hoa tươi tốt, hàng ngày, một lượng lớn các loại hoá chất đã được phun tẩm xuống cánh đồng, trong đó đa phần là là các loại hoá chất độc hại. Theo tính toán của các nhà vườn, hơn 50% chi phí cho việc trồng hoa là dành để mua thuốc bảo vệ thực vật.
Trước thực trang trên, nhiều công văn chỉ đạo của Tỉnh, Huyện và cơ quan chuyên môn về việc tạm dừng phát triển diện tích trồng hoa trên địa bàn huyện Tam Đường đã được ban hành. Tuy nhiên vì lợi trước mắt mà người dân vẫn cố tình ngó lơ, việc cho các chủ vườn thuê đất trồng hoa hồng, mở rộng diện tích vẫn đang tiếp diễn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Đối với cơ quan chuyên môn chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tạm dừng phát triển diện tích cây hoa hồng. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc các hộ dân chuyển đổi đất sang trồng hoa. Đặc biệt là giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ phun thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục quy đinh của cơ quan có thẩm quyền.
Môi trường đang bị đe doạ nghiêm trọng trước “vòng vây” ô nhiễm hoá chất. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng hoa hồng; thực hiện ký cam kết với các hộ trồng hoa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có kiểm soát, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.Tránh tái diễn bài học đánh đổi môi trường sống trong lành lấy kinh tế hiện tại, để rồi gánh hậu quả khôn lường trong tương lai.
Trọng Hoản - Cầm Thanh