Hướng tới nền nông nghiệp sạch với giá trị cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người. Từ năm 2022, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với xã Tả Lèng thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mặc dù mới thực hiện được 2 năm nhưng mô hình này cho thấy hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống và an toàn, bền vững.
Gia đình anh Hàng A Kho ở bản Lùng Than - xã Tả Lèng có 8.000m2 ruộng chuyên gieo trồng giống lúa Tẻ râu, đây là một trong những giống lúa đặc hữu của địa phương và được canh tác theo phương pháp cổ truyền. Tuy nhiên, 2 năm nay gia đình anh đã liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. So với lối canh tác truyền thống có khá nhiều khác biệt, bởi anh không phải sử dụng phân bón hóa học và phun thuốc trừ sâu nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, bông và hạt lúa to tròn hơn, đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính mình. Đặc biệt, anh cũng không phải lo đầu ra bởi toàn bộ sản phẩm đều được Tập đoàn thu mua, bao tiêu với giá cao hơn thị trường.
Anh Hảng A Kho chia sẻ: Đây là vụ thứ hai gia đình tôi tham gia mô hình này, tôi cảm thấy so với năm ngoái lúa tốt hơn hẳn, hạt lúa tròn dài bông dài và tròn hơn, Tham gia mô hình này thì đất không bị chua, không bị phèn, so với mọi năm thì dùng phân vô cơ nhiều hơn nhưng mà vẫn không tốt như của Quế Lâm, năng suất cũng cao hơn và khi tham gia mô hình này chúng tôi không phải lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm bởi Công ty thu mua hết cho bà con.
Những năm trở về trước, không chỉ riêng các hộ dân trên địa bàn xã Tả Lèng mà đa phần người nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung chỉ canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, nên việc lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa hữu cơ sẽ tránh được những nguy cơ trên bởi người dân chỉ sử dụng các chế phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn Quế Lâm cũng hỗ trợ người dân về kỹ thuật, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Các đại biểu tham quan mô hình lúa Tẻ dâu sản xuất hữu cơ tại bản Lùng Than – xã Tả Lèng.
Với những hiệu quả từ mô hình liên kết trong sản xuất lúa hữu cơ, thời gian tới Tả Lèng sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để mở rộng quy mô diện tích. Ông Giàng A Sình - PCT UBND xã Tả Lèng cho biết: Thời gian tới để phát triển vụ tiếp theo đối với mô hình liên kết này, chúng tôi cũng đang triển khai mở rộng thêm một số diện tích ở các khu vực tập chung và duy trì diện tích hiện tại đang liên kết giữa Tập đoàn Quế Lâm và các hộ đang đang thực hiện, chúng tôi mong muốn mở rộng diện tích lên khoảng 10 ha.
Được biết, đây là năm thứ 2, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với các hộ dân ở bản Lùng Than, Thèn Pả thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 4,4 ha giống lúa Tẻ râu, trong đó Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ và thu mua toàn bộ sản lượng thóc theo giá 15.500đ/kg. Qua mô hình này đã mở ra hướng canh tác bền vững và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thế Trường Thành - Trưởng ban Nông nghiệp hữu cơ khu vực phía Bắc - Tập đoàn Quế Lâm nói: Qua 2 năm thực hiện thì việc đầu tiên mà chúng tôi đánh giá đó là chất lượng đất đã khác. Năm ngoái những diện tích ruộng lúa mới san thì ruộng rất chua lúa nghẹt rễ cây cứ vàng rực thì năm nay đã giải quyết được vấn đề này, giải quyết vấn đề chua của đất thì năm nay cây lúa phát triển đồng đều bông to hạt chắc và khẳng định một điều chắc chắn là phân hữu cơ Quế Lâm đã phát huy vai trò quan trọng trong cải tạo ruộng trên cánh đồng lúa Tả Lèng. Bên cạnh đó, người dân được tập đoàn hỗ trợ 50% giá phân bón và thu mua 100% sản lượng thóc giống với giá 15.500 đồng/kg và tôi tin chắc rằng gạo Tẻ dâu sản xuất theo quy trình hữu cơ sẽ được bán trong cả nước. Kế hoạch năm 2024 chúng tôi cũng thống nhất là sẽ tăng lên 10 ha, hi vọng sau một thời gian nữa thì diện tích lúa Tẻ dâu của bà con ở xã Tả Lèng sẽ lớn hơn nhiều, đồng bào người Mông tại xã Tả Lèng sẽ càng ngày càng tiến gần hơn với sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật là điều rất cần thiết đối với cuộc sống con người hiện nay. Từ những lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ là tiền đề để mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho người nông dân mà còn là bước đột phát trong phát triển ngành nông nghiệp của huyện nhà. Không chỉ tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, mà còn nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sản xuất lúa bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất đai và nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái đồng ruộng.
Hoàng Cường