Xác định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển cây dược liệu quý đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Khun Há đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu phát triển Sâm Lai Châu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao
Lãnh đạo UBND xã Khun Há kiểm tra diện tích trồng Sâm của Hợp tác xã Sâm Khun Há.
Với tiềm năng, lợi thế diện tích rừng tự nhiên rộng, mây mù che phủ quanh năm, khí hậu trong lành, mát mẻ, xã Khun Há đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân đầu tư mở rộng diện tích trồng Sâm Lai Châu. Qua đó, nhằm bảo tồn, phát triển giống sâm quý hiếm, đem lại giá trị kinh tế cao. Thay vì để người dân trồng, phát triển Sâm tự phát, hiện xã Khun Há còn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư trồng Sâm cùng người dân. Việc liên kết mở rộng diện tích trồng sâm trên địa bàn có sự thỏa thuận chặt chẽ giữa doanh nghiệp là đầu mối thu mua, tiêu thụ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, người dân góp đất, công sức trồng, chăm sóc cây Sâm đúng quy trình kỹ thuật. Do đó, đến nay Khun Há đã trồng được trên 24ha sâm và tiến tới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng diện tích Sâm Lai Châu lên khoảng 100 ha. Dần đưa cây Sâm trở thành cây trồng mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: Chính quyền xã chúng tôi cũng có chủ trương khuyến khích bà con mở rộng phát triển diện tích ở trên địa bàn các bản có điều kiện thuận lợi trồng và phát triển cây Sâm này, đồng thời khuyến khích thành lập các HTX, thu hút các doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư phát triển diện tích Sâm, song song với đó khuyến khích các hộ dân bảo tồn phát huy giá trị của cây Sâm. Qua thời gian triển khai, nhận thấy Sâm phát triển khá tốt, chúng tôi cũng định hướng Sâm sẽ là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2026.
Nhân viên của HTX Sâm Khun Há chăm sóc diện tích Sâm.
Khun Há có những cánh rừng già rộng lớn, được bảo vệ tốt nên xuất hiện nhiều loại dược liệu quý. Nhờ đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã có thêm nguồn thu nhập từ khai thác Sâm từ tự nhiên. Để khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời bảo tồn, phát triển giống dược liệu quý này, năm 2018 một số hộ dân ở bản Ma Sao Phìn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng liên kết với nhau thu mua Sâm tự nhiên của người dân tìm được về trồng tập chung ngay dưới các tán rừng. Vừa làm, vừa học đến nay các hộ dân ở bản Ma Sao Phìn đã nhân giống và trồng được vài nghìn cây Sâm. Từ khi trồng Sâm đến nay cuộc sống của các thành viên tham gia trồng Sâm ổn đinh hơn trước rất nhiều.Anh Sùng A Thào là một trong những thành viên trồng Sâm ở bản Ma Sao Phìn chia sẻ: Từ năm 2018, mấy anh em mình trong bản thấy cây Sâm có giá trị kinh tế rất cao, nếu trồng được mình sẽ ươm giống và bán củ mẹ chắc sẽ giúp ích được cho gia đình và kinh tế nhà mình. Từ đó 3 anh em mình thống nhất cùng vay ngân hàng để xây dựng 1 vườn Sâm và thu gom những củ Sâm của người dân tìm được về trồng. Sau hơn 5 năm trồng Sâm mình đã bán được một số củ mẹ và cây giống, trả được nợ Ngân hàng và có thu nhập khá ổn định.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các đơn vị doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển diện tích sâm. Năm 2023, UBND xã Khun Há đã phối hợp với Hội CCB huyện ra mắt Tổ hợp tác phát triển cây sâm bản địa tại bản San Phàng Cao. Thông qua việc thành lập Tổ hợp tác phát triển cây sâm bản địa tạo điều kiện để các hội viên CCB cùng đóng góp tài sản, công sức quản lý, khai thác và phát triển diện tích Sâm. Từ đó cùng xã hình thành và phát triển vùng trồng Sâm tập chung nhằm nâng cao giá trị của cây Sâm, tăng thu nhập cho hội viên và người dân, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững từ cây Sâm.
Hoàng Cường