Nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng nghệ đen

Thứ sáu - 12/04/2019 05:14 2.723 0
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm ra được loại cây phù hợp với đồng đất địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao đang là bài toán đặt ra với nhiều người dân ở Tam Đường. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây một số hộ dân ở Thị trấn và Bình Lư đã tìm được hướng đi từ trồng cây nghệ đen, từ cây trồng này đã giúp các hộ dân có được thu nhập cao trên cùng diện tích đất canh tác.
Bắt đầu từ năm 2016, người dân trên địa bàn Thị trấn Tam Đường đã đưa cây Nghệ đen vào trồng trên chân ruộng một vụ. Qua thời gian triển khai bước đầu đã cho thấy loại cây trồng này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và hứa hẹn đây là loại cây trồng giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo trong những thời gian tiếp theo.

Gia đình anh Vũ Ngọc Hiến ở bản Tiên Bình - Thị trấn Tam Đường là người tiên phong trồng nghệ đen, riêng năm 2016, anh trồng 2ha trên chân ruộng 1 vụ, cuối vụ gia đình anh thu được trên 40 tấn củ nghệ tươi bán cho các cơ sở thu mua đem lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng. Anh Hiến cho biết việc trồng nghệ cũng rất đơn giản không tốn nhiều công sức chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu cũng rất ít. Hơn nữa việc trồng nghệ cũng không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bởi cây nghệ không bị bất cứ loại sâu bệnh nào phá hại nên rất thuận lợi. Đến hết năm 2018, gia đình anh đã mở rộng diện tích lên gần 5 ha trong đó có 4ha giống nghệ đen và gần 1 ha giống nghệ đỏ. Tâm sự với chúng tôi Anh Vũ Ngọc Hiến cho biết: Cây nghệ này đã được người dân vùng dưới xuôi trồng từ rất lâu rồi, sau khi đi tham quan học hỏi tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác nên đã mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm. Sau vụ đầu tiên thấy cây nghệ sinh trưởng và phát triển tốt lại không bị sâu bệnh nên mỗi năm gia đình tôi lại mở rộng thêm diện tích. Đến nay, cây nghệ cũng đã đem lại cho gia đình thêm một khoản thu nhập khá. 
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây nghệ đen, anh Vân Văn Sum ở bản Nà Phát - xã Bình Lư cũng tiến hành đưa vào trồng trên chân ruộng một vụ, theo anh Sum cho biết trước đây trên diện tích gần 2 ha diện tích đất ruộng một vụ hàng năm gia đình anh chỉ thu được khoảng 4,5 tấn thóc trị giá hơn 30 triệu đồng. Mặc dù mới trồng năm đầu tiên nhưng năng xuất đạt từ 25 - 30 tấn củ/ha. Theo giá thị trường bình quân đạt từ 4 - 5.000/kg nghệ tươi, thu nhập của gia đình anh cũng đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/ha. Năm tới anh sẽ mạnh dạn mở rộng thêm khoảng 1 ha nữa để trồng giống nghệ đen này. Chia sẻ với chúng tôi anh Sum nói: So với trồng ngô, trồng lúa thì cây nghệ đen này cho thu nhập cao hơn hẳn, đặc biệt cây nghệ cũng không tốn nhiều công chăm sóc, từ đó chúng tôi sẽ mở rộng thêm những diện tích nông nghiệp kém hiệu quả để trồng nghệ đen.

 
IMG 7737
Người dân Bình Lư đang thu hoạch nghệ đen
 
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn Thị trấn và Bình Lư có khoảng 8 ha Nghệ, được trồng tập trung tại các bản Bình Luông, Nà Đa, Thác Cạn của Thị trấn và Nà Phát ở xã Bình Lư trong đó 2 loại Nghệ được trồng là nghệ đỏ và nghệ đen. Được biết cây Nghệ Đen được trồng từ trung tuần tháng 3 dương lịch, sau 9 đến 10 tháng sẽ cho thu hoạch. Để cây Nghệ sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao cần trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Ưu điểm nổi trội của loại cây trồng này là có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Nghệ đen cho thu hoạch 1 năm 1 lần và sản phẩm có thể bảo quản từ 5 - 7 tháng không bị hỏng. Sản phẩm đầu ra đều được thương lái đến tận nơi thu mua về sản xuất tinh bột dùng làm thuốc chữa bệnh hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc. Chia sẻ với chúng tôi anh Sum cho biết thêm: Trước đây khi chưa trồng nghệ đen này chúng tôi cũng rất băn khoăn bởi sau khi thu hoạch thì không biết tiêu thụ ở đâu, nhưng khi trồng được một thời gian đã có thương lái đến tận nơi tìm hiểu và đặt vấn đề thu mua, có người còn đặt cọc với chúng tôi. Đến lúc thu hoạch thương lái cũng đến tận ruộng thu mua nên gia đình rất yên tâm tiếp tục trồng cũng như mở rộng diện tích.  

Theo những người dân trồng nghệ cho biết, nghệ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa hay các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, nghệ đen cũng khá phù hợp với chất đất ở địa phương, chi phí cho chăm sóc không cao, ít sâu bệnh thuận lợi cho người trồng, củ nghệ sau khi thu hoạch chỉ việc cắt bỏ phần rễ rồi đóng bao và cân bán cho thương lái, do đó đã giúp những người trồng nghệ yên tâm sản xuất. 

Từ hiệu quả của nghệ đen đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế địa phương đồng thời tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

 

Tác giả: Hoàng Cường

Nguồn tin: Đài TT-TH Tam Đường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down