Trong tháng 3/2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường phối hợp với 13 xã, thị trấn của huyện tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 cho Nhân dân. Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện chi trả hơn 23 tỷ đồng cho trên 7.000 hộ dân. Việc chi trả tiền vào thời điểm này đã giúp các gia đình giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài cũng như nhu cầu sản xuất khi giá phân bón tăng cao.
Trong đợt chi trả dịch vụ môi trường rừng lần này, huyện Tam Đường có 3 xã được nhận số tiền lớn nhất gồm: Sơn Bình 7 tỷ 844 triệu đồng, Khun Há 3 tỷ 865 triệu đồng và Bản Bo 3 tỷ 726 triệu đồng. Khi được nhận tiền, đồng bào các dân tộc nơi đây thêm quyết tâm bảo vệ màu xanh của những cánh rừng.
Nói về sự đổi thay của những cánh rừng trên địa bàn kể từ khi có chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ông Phạm Danh Tuyên - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường, chia sẻ: “Nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã làm thay đổi nhận thức của bà con nhân dân trong việc bảo vệ và giữ rừng. Những cánh rừng được phủ xanh và tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể do ý thức bảo vệ rừng của nhân dân đã được nâng lên”. Người dân xã Bản Bo nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hôm nay, đến nhận những thành quả của mình trong việc bảo vệ, quản lý rừng, ông Lò Văn Óng, bản Hua Sẳng, xã Bản Bo được cầm số tiền hơn 14 triệu trên tay, ông dự tính sẽ dùng một nửa cho sản xuất, số còn lại để dành khi cần thiết, bởi tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Ông Óng nói:“Được nhận số tiền ngày hôm nay bản thân tôi cảm thấy rất vui, nó thực sự là một số tiền giúp cho gia đình tôi trang trải được nhiều thứ trong cuộc sống. Cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cùng cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng”.
Trong số 13 xã, thị trấn của huyện Tam Đường có nhiều bản số tiền chi trả không lớn nhưng với các hộ dân, nhiều hay ít cũng là nguồn tài chính rất quan trọng để cải thiện cuộc sống và thêm động lực để họ giữ rừng. Anh Tao Văn Chọi – Bản Đông Pao 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, cho hay: “Hàng năm, người dân trong bản thường xuyên lên phát quang, trồng mới, chăm sóc cho những cánh rừng của mình. Số tiền hôm nay nhận được tuy không nhiều nhưng đây cũng chính là nguồn động viên để người dân chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng”.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, nhà máy kéo theo hệ quả làm giảm nguồn thu nên năm 2021, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giảm so với năm 2020. Tuy vậy, có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đồng bào có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Khi cuộc sống ổn định hơn thì ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân sẽ được nâng cao, theo đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các địa phương càng thêm hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã Bản Bo, ông Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo, cho hay: “Những năm qua, Bản Bo là địa phương được đánh giá cao trong việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, vài năm trở lại đây trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Có được kết quả đó là nhờ chính sách thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ, từ chính sách này ý thức, nhận thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng cao”.
Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng” hỗ trợ cho những người đang bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng, Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự là bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng của huyện Tam Đường. Đến thời điểm này, từ chính sách thiết thực đó, đã khích lệ công tác quản lý, bảo vệ và xã hội hóa nghề rừng của địa phương, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn huyện từ 45,3% năm 2019 lên 49,84% năm 2021. Cầm Thanh