Với những ưu điểm như: Chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, ít khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt… Năm 2019, 1 số hộ dân ở Thị trấn Tam Đường và xã Bản Giang đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây mía đường, bước đầu đem lại thu nhập cao.
Trước đây trên mảnh đất gần 1,7 ha gia đình ông Hoàng Đình Sáu ở bản Nà Đa - Thị trấn Tam Đường chỉ trồng lúa, trồng ngô, thu nhập một năm không đáng là bao. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, đưới sự vận động của chính quyền ông đã mạnh dạn chuyển đổi gần 2ha đất để liên doanh liên kết trồng mía đường với Hợp tác xã nông sản Lai Châu. Được biết trong quá trình liên kết với Hợp tác xã ông được đơn vị ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc. Sau gần 1 năm, diện tích mía của gia đình ông đã cho thu hoạch với sản lượng đạt gần 200 tấn, đem lại thu nhập 210 triệu đồng, theo ông sáu trồng mía đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng lúa trước đây. Chia sẻ với chúng tôi ông Hoàng Đình Sáu phấn khởi cho biết: Thực sự mà nói thì trồng mía đường này thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng lúa. Bên cạnh đó thì khi thu hoạch được Hợp tác xã thu mua hết nên chúng tôi rất yên tâm, sắp tới tôi định mở rộng thêm diện tích để trồng mía cung cấp cho Hợp tác xã. Mía đường thu hoạch đến đâu được Hợp tác xã nông nghiệp Lai Châu thu mua hết đến đấy.
Qua thực tế cho thấy, trồng mía nhàn hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác bởi tốn ít công chăm sóc, bón phân và không phải phòng trừ sâu bệnh. Do đó người dân trồng mía có khoảng thời gian nông nhàn nhiều hơn để làm các công việc khác tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Được biết, trong năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Châu đã liên doanh, liên kết trồng và tiêu thụ mía đường với bà con nông dân 2 địa phương là thị trấn và xã Bản Giang với diện tích 5,6 ha. Theo người dân trồng mía cho biết: Bình quân 1ha mía đường cho thu nhập từ 100 triệu đến 120 triệu đồng, điều đáng nói hơn là người trồng mía không phải lo đầu ra cho sản phẩm cũng như giá thành bởi đã có HTX cam kết bao tiêu toàn bộ với giá cả ổn định. Có thể nói: Hiệu quả từ việc liên doanh, liên kết trồng mía đường cao hơn hẳn so với trồng ngô, trồng lúa. Đặc biệt, cây mía chỉ trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch từ 5 đến 7 năm. Trước hiệu quả của cây mía đường đem lại, hiện đã có một số địa phương khác cũng bắt đầu chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng mía. Theo thống kê, hiện Tam Đường có trên 60 ha mía, trong đó có 3 địa phương tham gia liên doanh với Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Châu để trồng cây mía đường là: Sơn Bình, Thị trấn Tam Đường và Bản Giang với tổng diện tích 11,6 ha.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Hoàng Đình Quân - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm gần đây người dân cũng đã chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng mía. Bên cạnh đó cũng đã có một số đơn vị, Hợp tác xã, doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết với bà con để trồng mía đường. Với quan điểm của cơ quan chuyên môn chúng tôi khuyến khích người dân liên doanh, liên kết với các đơn vị để mở rộng diện tích mía đường trên địa bàn huyện.
Với những hiệu quả bước đầu trong việc liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía đường trên địa bàn huyện đã mở ra hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu và từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập chung để cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời thay đổi thói quen từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Hoàng Cường