Trong câu chuyện với trưởng bản Lù A Nủ, chúng tôi được biết: Cách đây 5 năm, người Mông bản Lao Chải 2 ở bản cũ cách xa trung tâm xã gần 20km, đường xá đi lại khó khăn, mỗi lần có việc xuống xã, người dân phải đi bộ mất 4-5 tiếng đồng hồ. Bản không có điện, thiếu nước sinh hoạt, đất đai cằn cỗi, người dân bản chỉ lên núi làm nương rẫy, cuộc sống rất khổ cực, quanh năm đói nghèo…
Năm 2009, các cấp chính quyền đã vận động dân bản di chuyển đến nơi ở mới, có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế. Ngày đầu chuyển về nơi mới, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn do ruộng nương ít, chưa quen với tập quán canh tác mới… Nhưng với sự vào cuộc với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền vận động bà con thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Người dân bản Lao Chải 2 đã cần cù khai hoang ruộng nương, học cách trồng lúa nước, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng.
Đến nay, toàn bản có 13ha lúa nước với các giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thơm, Nghi hương, PC6…(chiếm trên 70% diện tích) năng xuất đạt 54 tạ/ha; 6ha trồng ngô, sắn và rau màu các loại. Ngoài ra, nhân dân còn tích cực nhận khoanh nuôi bảo vệ trên 200 ha rừng. Nhờ giữ được rừng người dân trồng 16 ha cây Thảo quả, 11 ha cây Sơn tra và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình
Không chỉ biết trồng ngô, lúa, giữ rừng mà người dân còn thay đổi thói quen chăn nuôi thả rông gia súc sang chăn nuôi nuôi nhốt, vừa phòng chống dịch bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường, làng bản luôn sạch sẽ. Toàn bản hiện có: 107 con trâu, 17 con dê, gần 100 con lợn; đàn gia cầm có trên 1.000 con.
Trong xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” người dân trong bản đã tích cực hiến đất; đóng góp ngày công lao động và cát, sỏi để làm trên 500m đường giao thông, đến nay 100% đường nội bản đã được bê tông hóa
Bản Lao Chải 2 (xã Khun Há, huyện Tam Đường) đang đổi thay từng ngày
Bản Lao Chải 2 đã có điện lưới quốc gia, đồng bào được tiếp cận với thông tin nghe nhìn, hưởng thụ ánh sáng văn hóa của Đảng. Đời sống văn hoá, tinh thần của bà con được cải thiện, trình độ dân ngày càng được nâng lên, các hủ tục đã được xoá bỏ, bản không có người nghiện ma túy, không có tệ nạn xã hội. Năm 2014, bản Lao Chải 2 được công nhận là bản văn hóa, số hộ gia đình văn hóa của bản chiếm trên 72%.
Đến thăm gia đình chị Cứ Thị Chư (Lao Chải 2) một điển hình về phát triển kinh tế của bản. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà chứa đầy ngô, thóc, thảo quả và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, Chị Chư tâm sự: Trước đây, cuộc sống của gia đình ở bản cũ khó khăn lắm, từ khi chuyển xuống nơi ở mới, được Đảng và Nhà nước quan tâm, gia đình mình đã biết khai hoang trồng lúa, ngô, sắn trên đồi dốc. Đến nay, cuộc sống của gia đình mình và người dân trong bản sướng hơn trước kia nhiều lắm…”
Còn ông Cứ A Sinh (Lao Chải 2) năm nay đã 70 tuổi phấn khởi nói: “Nhìn bản làng ngày càng thay đổi, trẻ em được tung tăng cắp sách đến trường, cuộc sống của người dân không còn đói nghèo, tăm tối như trước nữa… Dân bản ai cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cần cù trong lao động để phát triển kinh tế…”
Nhờ cần cù trong lao động, biết áp dụng kho học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Lương thực bình quân trên đầu người đạt 650kg/người/năm; thu nhập đạt 13 triệu/người/năm; 100% hộ gia đình có xe máy; gần 90% số hộ có ti vi; 86% số hộ làm được nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60% (2009), xuống còn 28% (2014)
Giờ đây, đến thăm bản Lao Chải 2, đi những con đường bê tông sạch đẹp uốn lượn quanh bản, ngắm những nhà mái ngói, mái tôn nằm kề nhau san sát, chúng tôi hiểu rằng: Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự cần cù trong lao động đã mang lại no ấm hạnh phúc cho dân bản người Mông nơi đây.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền