Nói về quá trình triển khai mô hình trường học mới, cô giáo Ngô Thị Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “trong năm học 2014-2015, trường đã tổ chức cho 2 lớp khối 3 dạy học theo mô hình VNEN gồm 43 học sinh, trong năm học này nhà trường đã nhân rộng thêm 2 lớp ở khối 4 lớp với 31 học sinh. Những ngày đầu, để thay đổi được cách học, cách dạy truyền thống, chúng tôi gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới, cơ sở vật chất lại không phù hợp. Nhưng bỏ qua những khó khăn đó, khi bắt tay vào làm việc, chúng tôi mới cảm thấy được hết cái hay, cái đẹp, tính ưu việt của VNEN, các em học sinh được rèn các kỹ năng và tự tin lên rất nhiều, chất lượng học tập được nâng cao. Số lượng học sinh giỏi và học sinh khá tăng hơn so với phương pháp dạy học truyền thống, số học sinh yếu, kém giảm”.
Điểm nổi bật của mô hình là đổi mới về các hoạt động sư phạm, trong đó có đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “Ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm bầu lên. Việc bầu ra “Hội đồng tự quản học sinh” là biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập, giáo dục. Sự phân công công việc trong một nhóm rất rõ ràng, mỗi người một nhiệm vụ, những học sinh yếu cũng được tham gia và bình đẳng như các bạn khác trong nhóm. Từ đó học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong mọi hoạt động.
Một tiết học theo mô hình VNEN của lớp 4A1- trường tiểu học số 1 Bình Lư
Điều dễ nhận thấy ở một tiết học của mô hình VNEN đó là không khí học tập rất sôi nổi. Việc trao đổi giữa học sinh, giáo viên dễ dàng và thường xuyên. em Nguyễn Trang Nhung – học sinh lớp 4a1, trường TH số 1 Bình Lư vui vẻ chia sẻ: “ em rất thích học theo phương pháp này vì trong lớp chúng em được bầy tỏ ý kiến của mình, được tranh luận với các bạn và trong khi học, nếu vấn đề nào không hiểu, chúng em sẽ yêu cầu được sự trợ giúp từ cô giáo bằng cách sử dụng “thẻ đỏ cứu trợ”.
Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình này là cách đánh giá chất lượng học sinh. Nếu như trước kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của học sinh sau mỗi tiết học giáo viên cũng chỉ có thể kiểm tra một vài học sinh. Nhưng ở mô hình này, tất cả các em học sinh đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra, thậm chí là các thành viên nhóm khác kiểm tra. Với cách thức hoạt động như vậy, vai trò của giáo viên trong lớp học chỉ là định hướng và theo dõi hoạt động nhóm của học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Hường – GVCN lớp 3a1, trường TH số 1 Bình Lư chia sẻ: “với mô hình trường học mới này trong nội dung bài học có hoạt động ứng dụng yêu cầu sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân. Điều này đã tạo điều kiện cho phụ huynh kiểm tra việc học tập của con, em mình, đồng thời cũng tạo sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức lớp học cũng là một điểm mới của mô hình VNEN. Ở mô hình này trong lớp học cũng đã hình thành những hoạt động gần gũi với học sinh như: Góc toán học, hộp thư chia sẻ, góc tiếng việt, góc điều em muốn nói… Thông qua những góc hoạt động này, giáo viên có thể dễ dàng nắm bắt được tâm lý của các em để có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời”.
Những hiệu quả trên đã khẳng định sự thành công bước đầu của mô hình trường học mới. Để các em xác định đến trường không chỉ trang bị kiến thức mà còn mỗi ngày đến trường là những ngày vui. Đây được coi là nền móng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và công tác phổ cập giáo dục của nhà trường, từ mô hình này tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp cao hơn, chất lượng hiệu quả giáo dục được tăng lên góp phần vào công tác xã hội hóa giáo dục.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tamduong.laichau.gov.vn là vi phạm bản quyền