Với nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực phấn đấu của người dân, diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường ngày càng đổi mới. Nhân dân luôn đoàn kết, gìn giữ truyền thống văn hóa, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nhờ có những chính sách hỗ trợ, diện mạo nông thôn của những bản làng ở Hồ Thầu đã nhiều đổi thay.
Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu HTX chăn nuôi trồng trọt xã Hồ Thầu được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón cho 60 ha diện tích trồng chanh leo liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã Hồ Thầu với trị giá trên 2 tỷ đồng. HTX tiến hành cung ứng toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản và bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá thu mua từ 5.000-25.000 đồng/kg. Từ khi phát triển cây canh leo và liên kết với bà con của HTX chăn nuôi và trồng trọt xã Hồ Thầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho HTX cũng như cho các hộ dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn xã Hồ Thầu. Bà Tăng Thị Hạnh - Giám đốc HXT chăn nuôi và trồng trọt xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Nhận được sự hỗ trợ từ nghị quyết số 07, HTX đã liên kết với bà con nhân dân xã Hồ Thầu mở rộng diện tích trồng chanh leo, từ đó góp phần đem lại thu nhập ổn định cho bà con”.
HTX HTX chăn nuôi trồng trọt xã Hồ Thầu thug gom chanh leo.
Hiện nay, xã Hồ Thầu có trên 2.800 ha đất có rừng với độ che phủ đạt 65,1%. Năm 2023, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng xã Hồ Thầu được chi trả gần 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ được chi trả từ 4 - 5 triệu đồng /năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng là nguồn thu nhập ổn định hỗ trợ đáng kể hàng năm để người dân trong xã Hồ Thầu lắp đặt điện sáng nông thôn, sửa chữa đường giao thông, mua giống cây trồng, vật nuôi và đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình. Anh Phàn A Diu - Bí thư Chi bộ bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, cho biết: “Hằng năm từ nguồn chi trả này, bản đã trích lại 15% số tiền để sửa chữa đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa và làm sân chơi cho nhân dân trong bản”.
Người dân nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hồ Thầu là xã vùng cao của huyện Tam Đường, toàn xã có 8 bản, trong đó có 4 bản thuộc bản đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, xã Hồ Thầu đã tích cực triển khai thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế xã hội bằng việc lồng ghép với các Chương trình MTQG như: xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… cùng với đó là các chương trình hộ trợ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết 07 và 13 của HĐND tỉnh… đây là những chính sách thiết thực, đem lại hiệu quả, tạo sự ổn định cho cuộc sống của nhân dân trong xã. Ông Nguyễn Chí Hội - Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, nói: “Từ chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 xã được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua máy móc, nông cụ cho người dân; đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo xã được phân bổ 800 triệu đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo để phát triển sinh kế, làm nhà ở. Từ Nghị quyết 07 HĐND tỉnh xã được hỗ trợ 4 mô hình chuồng trại chăn nuôi tập trung và từ Nghị quyết 13 xã được hỗ 60 ha trồng chanh leo tập trung”.
Người dân Hồ Thầu đầu tư phát triển chăn nuôi.
Nhờ cách chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh mà đến nay đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Hồ không ngừng được nâng lên. Xã tiếp tục duy trì và giữ vững xã nông thôn mới. Đây cũng chính là tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong xã Hồ Thầu thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.
Cầm Thanh