Dong riềng là một trong những cây trồng đem lại năng xuất, hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác. Nhìn thấy hiệu quả từ cây dong mang lại, mấy năm nay người dân trên địa bàn huyện đã phát triển ồ ạt. Do tự phát nên năng xuất, chất lượng cũng như giá của dong riềng đã không còn được như trước, do đó các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mà tăng cường thâm canh, chăm sóc để nâng cao chất lượng cây dong.
Đã nhiều năm nay gia đình anh Hạng A Liên ở bản Nậm Dê - xã Sơn Bình chuyển đổi từ trồng lúa một vụ sang trồng dong bởi hiệu quả kinh tế từ cây dong mang lại khá cao so với trồng lúa. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây giá dong giảm so với trước nên gia đình anh cũng giảm diện tích xuống để tập chung chăm sóc và nâng cao chất lượng sản phẩm dong riềng.
Anh Hạng A Liên nói: Từ vụ dong năm ngoái gia đình tôi đã bắt đầu giảm diện tích trồng vì mấy năm nay giá bột giảm, nên nhà tôi không trồng nhiều nữa. Đồng thời diện tích đất trồng cây dong gia đình tôi thường xuyên thay đổi, để cây dong hiệu quả hơn nhiều và không bị sâu bệnh cho năng xuất cao hơn.
Còn đối với gia đình ông Lù Kim Sơn ở bản Thèn Thầu - xã Bình Lư có gần 1 ha đất, hàng năm ông đều trồng từ 5 - 6.000m dong riềng, nhưng do không có nhiều thời gian chăm sóc nên một số diện tích dong bị sâu bệnh, năng xuất giảm, đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây khi diện tích dong của toàn huyện tăng lên, giá bột dong giảm nên năm nay gia đình ông quyết định giảm diện tích xuống để tập trung chăm sóc nâng cao năng xuất và chất lượng của dong riềng.
Ông Lù Kim Sơn chia sẻ: Năm ngoái nhà tôi trồng diện tích dong khá lớn, nhưng do khâu chăm bón, làm cỏ không đảm bảo nên hiệu quả thấp, do đó năm nay gia đình tôi giảm diện tích trồng dong xuống còn khoảng 4 sào, diện tích ít mình có thể tăng đầu tư công, sức, phân bón chăm sóc cho cây để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Gia đình anh Hạng A Liên ở bản Nậm Dê - xã Sơn Bình chăm sóc diện tích dong riềng.
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, khoảng gần chục năm về trước toàn huyện chỉ có 60 ha diện tích cây dong riềng được trồng tập chung chủ yếu ở xã Bình Lư, nhưng đến năm 2022, Toàn huyện đã có đến 280,5 ha tăng hơn 4 lần so với trước. Việc phát triển ồ ạt diện tích cây dong riềng khiến giá sản phẩm bột dong xuống thấp. Bên cạnh đó, do không chú trọng chăm sóc nên đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại trên cây dong khiến năng xuất, chất lượng tinh bột dong cũng giảm đáng kể. Để hạn chế việc người dân mở rộng diện tích dong riềng, các cơ quan chuyên môn của huyện và các địa phương khuyến cáo người dân không tự ý phát triển thêm, đồng thời tăng cường thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên luân canh diện tích đất trồng dong để tránh ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng của dong riềng.
Ông Dương Hồng Phương - PGĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho rằng: Dong riềng là cây trồng đem lại năng xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, qua theo dõi về tình hình phát triển của cây dong riềng chúng tôi nhận thấy đã xuất hiện một số loại sâu bệnh như thối thân, thối lóng và thối bẹ, đặc biệt là các nhóm bệnh do virut gây ra, đến hiện tại chưa có thuốc đặc trị. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân trước khi trồng cần xử lý đất đảm bảo, thường xuyên cắt tỉa lá, bẹ nằm sát gốc, làm các rãnh thoát nước để hạn chế sự phát sinh của nấm bệnh gây hại đối với cây trồng dẫn tới cây sinh trưởng, phát triển kém.
Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề đang được các cấp, các ngành quan tâm. Nhưng để phát triển một cách bền vững nhất thiết người dân cần tính toán cụ thể, không nên chạy theo thị trường, phát triển diện tích dong ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Hoàng Cường