Ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao chất lượng sản phẩm Dong riềng

Thứ ba - 18/10/2022 04:32 1.094 0
Với diện tích hơn 180ha, cây dong riềng được huyện Tam Đường xác định là một trong những cây trồng chủ lực và là nguồn cung cấp chính nguyên liệu để sản xuất miến dong đem lại hiệu quả về kinh tế cho người dân. Chính vị vậy, huyện luôn chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dong riềng với mục tiêu nâng cao chất lượng, xây dựng và giữ vững thương hiệu miến dong Bình Lư.
Mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap là một điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chế biến bột cây dong riềng chất lượng cao và xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư, được triển khai trên địa bàn huyện Tam Đường từ tháng 10/2019. Tham gia mô hình các hộ dân ở xã Bình Lư được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm canh tác dong riềng theo hướng VietGap, được cấp củ giống dong riềng đỏ đạt tiêu chuẩn. Đến nay sau gần 2 năm triển khai mô hình, các hộ dân phấn khởi khi mô hình đem lại hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng bột dong và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Nhiều hộ nông dân tại Bình Lư có cùng mong muốn sẽ tiếp tục được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dong riềng trong những vụ tiếp theo.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhẫn ở bản Hoa Vân vui mừng nói: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành hướng dẫn trồng dong theo hướng VietGap, tôi thấy năng suất cao hơn so với cách người dân tự trồng trước đây có thể đạt tới trên 65 tấn/ha.
Là một trong những hộ dân trồng dong riềng đã nhiều năm nay chị Nguyễn Thị Hòa ở bản Thống Nhất chia sẻ: Những năm trước gia đình tôi trồng dong được gần 13 năm, nhưng mấy năm gần đây do ảnh hưởng của sâu bệnh nên dong thường bị thối củ, không có thuốc đăc trị. Qua tham quan mô hình này, thấy cách trồng theo hướng VietGap, hiệu quả đem lại tương đối cao, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc cây dong.

 
IMG 6215
Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh cùng bà con nông dân tham quan mô hình trồng Dong riềng theo hướng VietGap tại bản Toòng Pẳn, xã Bình Lư.
Theo đánh giá, mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap, được triển khai thực hiện với sự tham gia của 16 hộ dân tại các bản Thống Nhất, Hoa Vân, Thèn Thầu, Km2 và Tòong Pẳn, trên diện tích 5ha. Năng suất trung bình qua khảo sát đạt 60 - 65 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt từ 14-15%. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây dong riềng và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư và giữ vững thương hiệu sản phẩm OCCOP cấp tỉnh.
Tiến sĩ Hoàng Thị Nga, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Mô hình trồng dong riềng là một trong những nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là năm thứ 2 Trung tâm tài nguyên thực vật - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình tại xã Bình Lư và đã đạt được toàn bộ các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, năng xuất của dong riềng đạt trên 65 tấn/ha, hàm lượng tinh bột cũng đạt cao. Thời gian tới, để tiếp tục phát triển sản phẩm miến dong Bình Lư, rất cần các cấp và người dân cần tiếp tục canh tác theo hướng VietGap để giữ vững chất lượng sản phẩm, thương hiệu miến dong Bình Lư.
Thông qua mô hình đã tạo điều kiện để người dân xã Bình Lư nói riêng và bà con nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và chế biến bột dong riềng chất lượng cao. Thời gian tới, để giữ vững thương hiệu Miến dong Bình Lư, huyện Tam Đường sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển giao những quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến dong riềng đến đông đảo người dân trồng dong trên địa bàn huyện.
Hoàng Cường

Nguồn tin: Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down