Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, một lượng lớn gia súc, gia cầm được chế biến phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Do vậy, việc tái đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường. Hiện huyện Tam Đường đang chỉ đạo bà con nông dân đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch kết hợp với phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tết nguyên đán vừa qua, gia đình anh Quyết Đức Đán - chủ trang trại chăn nuôi ở bản Hoa Vân, xã xã Bình Lư đã xuất bán hàng trăm con lợn thịt. Ngay sau Tết, gia đình tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi, tiếp tục vào giống lứa lợn mới. Tuy nhiên, việc giá lợn bấp bênh, cùng với nguồn thức ăn gia súc tăng cao thì ngoài tái đàn lợn, gia đình anh dự kiến phát triển thêm đàn gà trên 4.000 con.
Anh Quyết Đức Đán, bản Hoa Vân, xã Bình Lư chia sẻ: Ngay sau tết, gia đình tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lợn, tuy nhiên việc tái đàn cần phải cẩn trọng, đặc biệt là chú ý trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài đàn lợn, gia đình tôi sẽ phát triển thêm đàn gà để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt 7%/năm, đạt 100% kế hoạch. Theo thống kê, thời điểm cuối năm, tổng đàn gia súc toàn huyện có trên 35 nghìn con; đàn gia cầm có trên 248 ngìn con. Tuy nhiên, trong dịp tết Quý Mão vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm khoảng 20-30% được xuất bán để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện giảm mạnh.
Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023. Đồng thời, định hướng mở rộng phương thức chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để phối trộn làm thức ăn, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng phối hợp với các xã, thị trấn tích cực rà soát, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Tuyên truyền cho người dân chuẩn bị nguồn giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để tổ chức tái đàn đạt hiệu quả.
Gia đình anh Quyết Đức Đán - bản Hoa Vân, xã Bình Lư tái đàn lợn sau Tết nguyên đán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Để đảm bảo chỉ tiêu đàn gia súc, gia cầm năm 2023, đặc biệt là việc tái đàn sau Tết nguyên đán, chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kê lại số lượng đàn để xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời, tổ chức nguồn giống đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người dân; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Hiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có thể bùng phát. Do đó, ngoài việc khôi phục đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường phòng chống dịch bệnh, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, không tái đàn ồ ạt, tránh thiệt hại khi bước vào vụ sản xuất mới.
Trọng Hoản