Những triệu phú nuôi cá nước lạnh trên núi

Thứ năm - 02/01/2025 04:41 31 0
Nhờ có nguồn nước tự nhiên dồi dào, ổn định, phù hợp với cá nước lạnh. Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Sơn Bình nói riêng và một số địa phương trên địa bàn huyện nói chung đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước lạnh, cũng chính từ điều này đã xuất hiện không ít hộ gia đình trở thành triệu phú trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đã 3 năm nay, từ khi bước vào nuôi cá nước lạnh, cuộc sống của gia đình anh Chang A Hàng ở bản Chu Va 8 xã Sơn Bình khá giả hơn trước nhiều. Trước đây cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, nhưng thấy một số hộ dân có thu nhập cao từ nuôi cá nước lạnh, năm 2021 anh mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Tam Đường đào 2 ao với diện tích gần 200m2, nuôi 3.000 con cá tầm. Mặc dù mới nuôi, kỹ thuật còn hạn chế, nhưng cuối năm đã đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhận thấy thu nhập cao ổn định, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, đến nay gia đình anh có 5 ao nuôi khoảng 500m2, hàng năm anh thả 1 vạn con cá lớn nhỏ. Mỗi năm anh xuất khoảng 7 tấn cá thương phẩm ra thị trường với giá bán bình quân từ 180.000 - 200.000/kg đã đem lại thu nhập từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí cũng được 500 đến 600 triệu đồng/năm. Anh Hàng chia sẻ: Trước đây cuộc sống của gia đình rất khó khăn, sau khi thấy có anh em ở Sa Pa họ đến thuê đất nuôi cá nước lạnh nên tôi tìm hiểu học hỏi. Thấy họ nuôi cá phát triển tốt gia đình cũng đầu tư, chọn cá tầm để nuôi và đến nay đã nuôi được 3 năm. Nuôi loại cá này so với nuôi, trồng các con, cây khác có thu nhập được nhiều hơn. Bây giờ kinh tế của gia đình đã có thu nhập cao hơn mấy năm trước, tôi sẽ cố gắng để sau này mở rộng ao nuôi để phát triển nhiều hơn nữa.
Để đảm bảo sản lượng cá thịt anh còn nuôi gối vụ cá giống
IMG 8234
Anh Chang A Hàng kiểm tra sinh trưởng và phát triển của cá.

 
Còn đối với anh Thào A Cháng ở bản Chu Va 12 - xã Sơn Bình, dù đã trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập cũng không ổn định. Hơn 2 năm nay, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 200m2 bể nuôi cá nước lạnh. Từ khi nuôi cá thu nhập ổn định và cao hơn hẳn so với trước đây, giúp anh trở lên khá giả hơn trước rất nhiểu. Anh Cháng nói: Khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, gia đình đã học hỏi các hộ gia đình khác chuyển đổi đất ruộng để nuôi cá nước lạnh. Hiện gia đình đang nuôi 5 bể, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 - 6 tấn và bán ra thị trường khoảng hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi cá nước lạnh, gia đình tôi đã khá giả hơn trước rất nhiều so với làm ruộng, làm nương.
Hàng ngày, ngoài cho cá ăn anh Thào A Cháng ở bản Chu Va 12 còn thường xuyên kiểm tra tình trạng của cá để giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt.
 
Không chỉ người dân nơi khác đến đây lập nghiệp bằng nghề nuôi cá nước lạnh, mà nhiều hộ gia đình người Mông ở Sơn Bình cũng chủ động đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương có nuôi cá nước lạnh, đồng thời mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi, đặc biệt nhận thấy hiệu quả của việc nuôi loài cá nước lạnh này nhiều hộ gia đình người Mông đã chủ động mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Chỉ sau vài năm từ nuôi cá nước lạnh cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi rõ rệt và trở thành những triệu phú trên triền núi cao. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Tam Đường có 6 doanh nghiệp, HTX, gần 20 hộ gia đình ở các xã Sơn Bình, Bản Bo, Hồ Thầu và Tả Lẻng đang đầu tư nuôi cá Tầm với 651 bể nuôi cá giống và cá thương phẩm với thể tích 32.500 m3, hàng năm xuất ra thị trường hơn 300 tấn cá thương phẩm, giá bán bình quân từ 180.000 đến 200.000/kg đã đem lại doanh thu từ 54 đến gần 60 tỷ đồng mỗi năm. Từ đó, nhiều hộ gia đình đồng bào người Mông ở vùng cao có cuộc sống ổn định và là những triệu phú về nuôi cá nước lạnh trên núi. Ông Nguyễn Đình Thượng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Tam Đường là một trong những huyện có thể mạnh về nuôi cá nước lạnh, đặc biệt như những xã vùng cao như: Sơn Bình, Khun Há, Bản Bo và Hồ Thầu. Trong thời gian qua để phát huy tiềm năng này, Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng với các xã rà soát, quy hoạch những vùng có tiềm năng để tập chung nuôi cá nước lạnh, để tuyên truyền, vận động, định hướng cho các hộ gia đình phát triển, Đến thời điểm này, nhiều hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai xây dựng cơ sở theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đặc biệt đã có một số cơ sở và nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ việc nuôi trồng cá nước lạnh này.
Với tiềm năng sẵn có của địa phương, Tam Đường đã và đang được các cấp quy hoạch trở thành khu vực chuyên nuôi trồng cá nước lạnh tập chung của tỉnh Lai Châu, đây cũng là định hướng giúp người dân địa phương nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư để làm giàu, góp phần đưa huyện Tam Đường về đích Nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Hoàng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down