Ngay sau khi không khí lạnh tràn về, những ngày qua thời tiết tại huyện Tam Đường nhiệt độ đã giảm sâu kèm theo mưa phùn. Với dự báo tình hình thời tiết rét đậm, rét hại gây tác động tới đàn gia súc trên địa bàn. Do đó để chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các hộ chăn nuôi thực hiện đưa gia súc về chuồng nuôi nhốt, quây kín chuồng trại và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét.
Nhiều năm nay, nuôi trâu là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Chảo Phủ Dìn ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình với đàn trâu có trên 10 con. Với kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi, nên từ thời điểm thu hoạch lúa mùa ông đã tích chữ rơm khô, chủ động gia cố chuồng trại. Từ đầu vụ rét đến nay thời tiết lạnh chưa nhiều nên đàn trâu vẫn được gia đình ông thả ngoài ruộng, chiều tối mới lùa về chuồng tại lán nương nhằm thuận tiện cho việc chăn nuôi. Nhưng sau khi nắm được thông tin và được chính quyền địa phương tuyên truyền về đợt không khí lạnh mạnh mà từ chiều qua ông đã lùa toàn bộ đàn trâu về nhà, mua bạt để quây kín chuồng và tập trung cắt cỏ phục vụ cho đàn trâu những ngày giá rét.
Các hộ chăn nuôi xã Sơn Bình quây kín chuồng trại để tránh gió lùa, đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc
Ông Chảo Phủ Dìn - Bản Tân Hợp – xã Sơn Bình nói: Đàn trâu là tài sản không nhỏ của gia đình, do vậy gia đình tôi rất chú trọng khâu chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Thời gian vừa qua, thời tiết nắng ấm, tôi thường thả trâu ra ruộng, ngoài đồi chăn. Nay được chính quyên thông báo có rét đậm, rét hại, nên gia đình lùa về chuồng hết mua bạt về quâ kíny và lấy rơm về cho trâu ăn. Nhiệt độ xuống thấp, gia đình còn đốt lửa sưởi ấm cho trâu
Sau khi không khí lạnh tràn về, nhiệt độ tại huyện Tam Đường đã giảm sâu và xuất hiện mưa phùn. Đặc biệt tại các xã vùng cao như Sơn Bình, Giang Ma, Tả Lèng Khun Há… mưa mù dày đặc gây rét đậm, rét hại tác động rất lớn tới đời sống, sản xuất và đặc biệt là tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Hiện nay các địa phương này đang tích cực chỉ đạo cán bộ xuống từng bản hướng dẫn và chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét, trong đó chú trọng tuyên truyền người dân nuôi nhốt gia súc trong chuồng, quây kín chuồng trại và đảm bảo thức ăn trong những ngày trời rét.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết: Mỗi khi mùa đông đến, ở Sơn Bình khí hậu khắc nghiệt hơn và xuất hiện cả băng tuyết. Chính vì vây, UBND xã đã chủ động ban hành thông báo đến các bản về công tác phòng chống rét, thường xuyên cử cán bộ công chức xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân các phương án phòng chống rét đối với cây trồng vật nuôi, nhất là đàn gia súc. Tuyên truyền đến nhân dân đưa gia súc về nuôi nhốt, thực hiện các biện pháp che chăn và chủ động nguồn thức ăn khi trời rét đậm, rét hại.
Các hộ chăn nuôi xã Sơn Bình quây kín chuồng trại và dự trự rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông
Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có trên 39.000 con, trong đó: Đàn trâu 7.150 con; đàn bò 250 con; đàn lợn 31.000 con. Tổng đàn gia cầm trên 250.000 con. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông, ngay từ đầu vụ UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cùng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc được triển khai đồng bộ. Huyện đã chỉ đạo tiêm phòng tổng 61 nghìn liều vắc xin, đạt 95,5% KH; phun tiêu độc khử trùng với số lượng hóa chất sử dụng 2.300 lít cho diện tích bề mặt chuồng trại, môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát và hỗ trợ 1 tỷ 180 triệu đồng để nhân dân kiên cố chuồng trại. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng chống đói rét đàn gia súc cho nhân dân cũng được đẩy mạnh qua hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị và cuộc họp bản…Nhờ đó, 100% số hộ chăn nuôi đã tích trữ rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông
Trước tình hình dự báo thời tiết trong những ngày tới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là rét đậm rét hại có thể xảy ra với nhiệt độ giảm xuống còn hơn 10 độ, nơi núi cao có thể dưới 10 độ kèm theo mưa phùn, gây tác động đến chăn nuôi trên địa bàn. Do đó huyện Tam Đường đã có công văn chỉ đạo các xã, hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn, thực hiện nuôi nhốt gia súc trong chuồng. Ngoài ra chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cho cán bộ xuống các bản kiểm tra, không để nhân dân thả gia súc ngoài ruộng, hướng dẫn người chăn nuôi có các biện pháp quây kín chuồng trại, nếu thời tiết rét và có băng giá phải thực hiện các biện pháp sưởi ấm để tránh gia súc bị chết rét.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Trước tình hình thời tiết được dự báo năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, sẽ xuất hiện nhiều rét đậm, rét hại, làm ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường các hoạt động xuống cơ sở, chỉ đạo bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, như: Quây kín chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt khi nhiệt độ xuống thấp; đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Qua công tác tuyên truyền vận động bà con đã nâng cao ý thức trong việc che chắn và đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc
Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chủ động của các hộ chăn nuôi, mong rằng trong những ngày giá rét Tam Đường sẽ không có gia súc bị chết do đói rét gây ra; giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện
Trọng Hoản