Tam Đường: Duy trì và phát triển đàn lợn dịp cuối năm

Thứ năm - 26/09/2024 03:33 258 0
Trong thời gian vừa qua giá thịt lợn liên tục tăng tạo niềm vui phấn khởi cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Tam Đường, từ đó tạo động lực để nhiều hộ chăn nuôi lợn đầu tư tái đàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp cuối năm. Xác định để đàn lợn phát triển ổn định nhất là công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi, huyện Tam Đường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ tốt đàn lợn.
Xã Thèn Sin trước đây là địa phương có tổng đàn lợn lớn của huyện Tam Đường với gần 4.000 con được các trang trại và hộ chăn nuôi duy trì. Nhưng năm 2019 dịch Tả lợn Châu phi bùng phát và gây thiệt hại lớn mà số hộ chăn nuôi và tổng đàn lợn đã giảm đi 2/3 so với trước. Thời gian qua với việc đẩy mạnh tuyên truyền và khi giá lợn hơi lên mà các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại, đây là điều đáng mừng nhưng cũng làm nảy sinh lo lắng bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăn nuôi của người dân.
Trước tình hình trên, xã Thèn Sin đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh phát sinh, bảo vệ đàn lợn. Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó chủ tịch UBND xã Thèn Sin, huyện Tam Đường nói: Hiện nhân dân xã đã bắt đầu tái đàn lợn để phục vụ lợn thương phẩm cung cấp ra thị trường dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên đàn lợn vẫn ở mức thấp mới chỉ đạt gần 1.000 con. Trước tình hình dịch vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, chúng tôi đã chỉ đạo các bản và hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng dịch, cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng để các hộ phun phòng tại khu vực chuồng trại, chợ, khu vực đông dân cư. Đồng thời tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi, để bảo vệ tốt đàn lợn dịp cuối năm
IMG 354
Anh Lù A Pạ ở bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn
 Là hộ chăn nuôi lớn và thường xuyên duy trì đàn lợn từ 25 đến 30 con, gia đình anh Lù A Pạ ở bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường mới nhập thêm về 20 con lợn giống để phục vụ nhu cầu lợn thịt vào cuối năm. Để đảm bảo đàn lợn phát triển tốt, tránh dịch bệnh anh đã chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tìm hiểu kỹ về con giống nhập không nhiễm bệnh, được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bên cạnh đó, anh quan tâm bổ sung thuốc để tăng cường sức đề kháng cho lợn trong quá trình chăn nuôi. Anh Lù A Pạ - Bản Lở Thàng 2,  xã Thèn Sin, huyện Tam Đường chia sẻ: Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định thì việc đầu tiên cần làm là thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ cho khô ráo xong là phun thuốc khử trùng, ngày cách ngày phun một lần. Công tác tiêm phòng cho đàn lợn cũng phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. Ngoài ra, việc lựa chọn thức ăn cũng phải đảm bảo chất lượng, tránh các yếu tố tác động của môi trường xung quanh đến đàn lợn… Nhờ đó, 3 năm nay gia đình tôi chăn lợn nuôi ổn định, mỗi năm xuất chuồng bán 5 tấn lợn thương phẩm
Trong thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tái đàn lợn mà từ đầu 2021 đến nay huyện Tam Đường có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn. Đến nay trên địa bàn huyện có trên 31.000 con lợn tăng 19.000 so với thời điểm cuối năm 2019. Toàn huyện có 06 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô từ 50 đến dưới 100 con/1 cơ sở; 05 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con/cơ sở
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh trên đàn lợn nhất là dịch tả lợn Châu Phi với tinh thần quyết tâm bảo vệ tốt đàn lợn từ nay đến cuối năm huyện Tam Đường đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cho hộ chăn nuôi ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và đăng ký giám sát dịch bệnh động vật.
IMG 355
Người chăn nuôi huyện Tam Đường thường xuyên phun tiêu độc khử trung chuồng trại chăn nuôi lợn để phòng chống dịch bệnh
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vắc xin trên đàn lợn; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường bổ sung dinh dưỡng, các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn lợn, tổ chức ra quân tiêu độc khử trùng và tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán lợn không rõ nguồn gốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Quang -  Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết: Trong thời gian qua, huyện Tam Đường đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, nhất là đàn lợn. Tuy nhiên những  tháng đầu năm 2024 đã xuất hiện Dịch Tả lợn Châu phi và thực hiện tiêu hủy theo quy định 12 con lợn, trọng lượng
415 kg, tại 02 xã Sơn Bình và Bản Hon. Ngay khi có dịch, chung tôi đã thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch, trong đó cấp và chỉ đạo rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch với 2.000 kg vôi, 10 lít hóa chất (Povidine 10%). Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng cấp phát, kiểm tra, giám sát phun tiêu độc khử trùng đợt 1 với số lượng hóa chất sử dụng 1.150 lít, diện tích bề mặt chuồng trại, môi trường phun được là 2.300.000m2; Tổ chức tiêm phòng đạt 32.216 liều vắc xin, đạt 95%. Trong đó vắc xin Tụ huyết trùng lợn 7.534 liều, vắc xin Dịch tả lợn 7.534 liều, vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi 6.460 liều. Hiện chúng tôi tiếp tục tổ chức ra quân tiêu độc khử trùng đợt 2 đảm bảo hiệu quả
Trước nhu cầu tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm của người dân, do đó để bảo vệ đàn lợn trên địa bàn huyện Tam Đường tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời sẵn sàng lực lượng và phương tiện để kịp thời tổ chức chống dịch có hiệu quả, hạn chế tối đa những tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần giúp người dân yên tâm chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Trọng Hoản

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Trọng Hoản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down