Khi phụ nữ dân tộc thiểu số học Tiếng Anh

Thứ ba - 10/12/2024 22:01 40 0
Bản Nà Khương, xã Bản Bo là bản du lịch cộng đồng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với những cọn nước khổng lồ ven dòng sống Nậm Mu. Những năm qua, cùng với việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, người dân bản Nà Khương luôn đoàn kết, xây dựng cảnh quan làng bản sáng xanh sạch đẹp gắn xây dựng bản đạt các tiêu chí nông thôn mới và phát triển hoạt động du lịch. Đặc biệt, chị em phụ nữ trong bản đã tham gia học tiếng anh để giao tiếp tốt hơn với du khách quốc tế.
DSC01531
 Nà Khương – một trong những điểm du lịch nổi tiếng của huyện Tam Đường.
Bản Nà Khương thuộc xã Bản Bo huyện Tam Đường đã trở thành một điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với những guồng nước khổng lồ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân trong bản cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều hộ gia đình mở lán ven suối bán hàng hóa, nông sản, cung cấp dịch vụ ăn uống, cho thuê trang phục, hay cải tạo cảnh quan, trồng hoa, cây cảnh để du khách thăm quan, chụp ảnh lưu niệm. Hàng năm, mỗi dịp đầu xuân năm mới, hay những ngày lễ, ngày kỷ niệm, bản Nà Khương đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan. Từ đó, tạo ra nguồn sinh kế cho người dân, giúp bà con có thêm thu nhập, và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Lò Văn Thẻ - Bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, chia sẻ: “Trước đây đất này là đất ruộng từ khi phát triển du lịch tôi đã trồng hoa làm chòi nghỉ mát để mọi người đến chụp ảnh, bán cá nướng, gà nướng, cơm lam cho du khách. Thời điểm cuối năm, dịp tết rất đông khách”.
DSC01532
 Khu vực ẩm thực và địa điểm thuê trang phục cho du khách tại khu du lịch cọn nước Nà Khương.
Đến với bản Nà Khương không chỉ có những du khách trong tỉnh, trong nước mà có cả những du khách người nước ngoài, có mong muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương. Tuy nhiên, người dân xã Bản Bo, người dân bản Nà Khương gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với khách du lịch nước ngoài. Trước thực tế đó, một nhóm gồm 6 chị em phụ nữ dân tộc Thái tại bản Nà Khương đã mạnh dạn tham gia mô hình học tiếng anh. Chị Quàng Thị Phúc - Bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, cho hay: “Ngoài làm ruộng mình bán hàng ở điểm du lịch, bán gà, bán cá, cơm lam cho khách, mang trang phục cho du khách thuê, mùa lễ hội thu nhập 500 đến 1 triệu/ngày. Trước đây gặp khách nước ngoài mình không biết tiếng và mình chỉ dùng hành động. Được tham gia lớp học tiếng Anh thì đã giúp mình hiểu biết, biết giới thiệu cho khách những món ăn, những điều hay của bản mình”.
TA5
Một buổi học tiếng Anh tại nhà của chị Phúc và chị em phụ nữ trong bản.
Sau những ngày vụ mùa bận rộn, chị em phụ nữ bản Nà Khương, xã Bản Bo lại cùng nhau tự học tiếng anh. Bắt đầu từ những câu chào hỏi đơn giản, đến việc đếm số, học cách phát âm từng chữ cái, xưng hộ, giao tiếp với người nước ngoài. Mỗi tuần chị em học 3 buổi trực tuyến qua phần mềm Zoom, những thời gian nông nhàn, các chị tự học hỏi trên điện thoại di động. Các chị cùng nhau xây dựng những thực đơn đồ ăn, đồ uống, tập luyện với nhau về cách chào hỏi, giao tiếp và giới thiệu thực đơn với khách hàng. Tham gia mô hình học tiếng anh, mở ra nhiều cơ hội cho những chị em phụ nữ DTTS, giúp các chị có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Chị Tòng Thị Tỉnh - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, cho biết thêm: “Hiện có 6 chị em đang tham gia học tiếng anh để phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng rất vui khi được học tiếng Anh để được mở mang, có thêm kiến thức, lúc đầu học trực tiếp, 2-3 buổi sau học online, chúng tôi tranh thủ thời gian buổi tối vào học. Mong muốn sau lớp học này, giúp chị em giao tiếp tốt với khách du lịch”.
TA8
 Buổi học tiếng Anh online của chị em phụ nữ bản Nà Khương.
Đây là hoạt động thuộc dự án Tăng cường khả năng chống chịu các cộng đồng nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”, do UBND huyện Tam Đường phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - Xã hội Nông thôn và Miền núi CISDOMA thực hiện. Mục tiêu dự án nhằm cải thiện lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho các hộ gia đình thuộc thông qua việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số nhờ sự định hướng từ chính quyền địa phương cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của dự án qua các khóa đào tạo, họ đã tự tin phát huy thế mạnh và chủ động hơn trong việc thể hiện vai trò, vị trí của mình qua hoạt động phát triển du lịch công đồng. Các chị không chỉ là người gìn giữ mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống của dân tộc, lan tỏa những nét đẹp truyền thống của mảnh đất Tam Đường, Lai Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cầm Thanh

Tác giả: Trang TTĐT Quản trị

Nguồn tin: Cầm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down